Những danh thủ vượt qua số phận

Kỳ cuối: Nhà giàu cũng khóc

Nói đến chuyện giàu nghèo trong bóng đá đỉnh cao, ai cũng nói ngay đến xuất phát điểm cười ra nước mắt của rất nhiều ngôi sao bóng đá châu Phi. Khó mà kể xiết những ngôi sao châu Phi đã vươn lên từ cảnh nghèo đói và chiến tranh. Kolo Toure chẳng hạn. Khoan nói chuyện chơi bóng bằng giày, ngay cả cuộc sống thường nhật của Toure cũng ít khi có sự tồn tại của đôi giày. Chỉ đến khi được tuyển trạch viên nổi tiếng Jean-Marc Guillou phát hiện tài năng, từ các trận đấu “hoang dã” trên những khu đất bụi mù mịt ở Abidjan, cuộc đời Toure mới bước vào ngã rẽ huy hoàng. Cậu bé 15 tuổi được đưa vào Trung tâm đào tạo năng khiếu ASEC, sau đó tỏa sáng ở CLB ASEC Mimosas, được gọi vào đội tuyển Bờ Biển Ngà, rồi ký hợp đồng với Arsenal và tỏa sáng trên các sân cỏ châu Âu.

Kolo Toure (trái) trong một trận đấu.
Kolo Toure (trái) trong một trận đấu.

Ngày nay, Toure là cái tên quá đỗi quen thuộc với giới hâm mộ Premier League. Nhưng cần nhắc lại: mãi đến năm 15 tuổi, Toure mới biết thế nào là cảm giác chơi bóng bằng giày. Trong những năm đầu khoác áo Arsenal, Toure sống rất tằn tiện bởi phần lớn tiền lương của anh đã được gửi về Bờ Biển Ngà, không chỉ để bố mẹ và các em xây nhà mà còn để nuôi sống cả họ hàng. Toure được đánh giá cao về tốc độ, sức mạnh và sức bền, nhưng tiền đạo Thierry Henry từng khoác áo Arsenal lại chỉ khâm phục Toure về quyết tâm vươn lên, quyết tâm chiến thắng cái nghèo.

Xuất phát điểm của Emmanuel Adebayor - đồng đội của Toure ở Arsenal - cũng nghèo không kém Toure. Adebayor cũng chỉ chơi bóng bằng chân trần, trên những bãi cát nóng bỏng cạnh những hàng cọ là biên giới giữa Togo và Ghana. Người ta đánh giá cao ý chí vươn lên của Adebayor ở chỗ: nếu không quyết tự lập thân bằng khả năng chơi bóng, Adebayor có thể đã gia nhập những đội vận chuyển ma túy, có nhan nhản ở khu vực khét tiếng ấy.

Nhưng để vượt qua khó khăn, người ta không nhất thiết phải đối đầu với nghèo đói, chiến tranh, bệnh tật hoặc sự bất hạnh trong gia đình. Trong bóng đá cũng như trong cuộc đời, có lúc “nhà giàu cũng khóc”. Không có cầu thủ nào giàu hơn David Beckham - ngôi sao sống trong nhung lụa từ bé đến lớn. Ấy vậy mà những khó khăn từng khiến Beckham phải đứng trước lựa chọn có nên tiếp tục chơi bóng hay không. Những khó khăn ấy cũng lớn chẳng kém nỗi bất hạnh nào. Đấy là khó khăn đến từ sự xỉa xói, ganh tức của xã hội. Bố anh, ông Ted Beckham từng nói: “Có lúc, những gì con tôi phải chịu đựng còn khốn nạn hơn cả cái đói, cái nghèo”.

Lần đầu tiên Beckham phải chịu đựng sức ép công luận là khoảng 3 năm sau World Cup 1998 - kỳ World Cup mà Beckham bị đuổi trong trận gặp Argentina và đội Anh bị loại. Beckham có thể chịu đựng cơ man những bài chỉ trích anh trên mặt báo, chuyện bình thường. Nhưng cứ mỗi trận ở Premier League, anh lại phải nghe những tràng tục tĩu - ở mức độ không thể nào tục hơn - nhằm vào cô vợ Victoria nổi tiếng của mình. Xin nhắc lại: suốt khoảng 3 năm như thế, chỉ trừ một đợt “giảm nhẹ volume” khi M.U vô địch Champions League và hoàn tất cú ăn ba trong mùa bóng 1998 -1999. Đến khi Brooklyn chào đời, những kẻ vô lại bắt đầu hướng sự thù nghịch vào đứa bé vô tội. Vì Beckham bị Diego Simeone xỏ mũi khiến đội tuyển Anh phải chịu nhục trước kỳ phùng địch thủ Argentina? Vì Beckham và M.U quá may mắn, liên tục thành công trên sân cỏ? Hay vì Beckham lấy được cô ca sĩ nổi tiếng nhất nước Anh làm vợ? Vì cặp Victoria - David Beckham quá giàu có và nổi tiếng? Không dễ lý giải vì sao Beckham phải chịu đựng sự chì chiết của cả xã hội. Nếu đấy là chuyện đơn giản, các giáo sư tâm lý ở trường đại học Oxford đã không mất công làm hẳn một công trình nghiên cứu về đề tài này.

Có lần, Ted Beckham phải nghe một nữ nhân viên nói suốt buổi sáng về “gã David Beckham đáng nguyền rủa”, kể ra vanh vách những chuyện xấu xa của vợ chồng Beckham, dù sự thật là cô nhân viên ấy chẳng biết chút gì về Beckham, chưa bao giờ xem Beckham chơi bóng, và tất nhiên, cũng không biết người đang nghe cô kể chuyện chính là... bố Beckham! Một lần khác, Ted phải xuống xe, bước đến một gã đang lăng mạ con dâu mình bên ngoài sân bóng và tặng vào mặt hắn một cú thôi sơn bất chấp hậu quả.

Suốt thời gian ấy, Beckham chỉ chống trả sự thù nghịch của công luận bằng thái độ im lặng và sự tập trung trên sân. Anh thành công vang dội trong màu áo M.U và trở thành thủ lĩnh đích thực, góp công lớn nhất đưa đội tuyển Anh từ bờ vực lọt vào VCK World Cup 2002. Anh được BBC bình chọn là “nhân cách thể thao trong năm”, được Hoàng gia tặng huân chương OBE. Cái cách mà Beckham vượt qua số phận để trở thành cầu thủ nổi tiếng nhất thế giới quả rất đáng phục.

TRI KỶ

Tin cùng chuyên mục