Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một số nội dung đã được Chính phủ, các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp, trong đó có việc trình Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề xuất bổ sung một số nội dung khác, trong đó có 2 dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo là Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Ngoài ra, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ sẽ đề nghị bổ sung nội dung miễn nhiệm Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh để ông Chu Ngọc Anh nhận nhiệm vụ mới.
Về cách thức tổ chức, kỳ họp được bố trí thành 2 đợt. Đợt 1, Quốc hội sẽ thảo luận các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua; 2 dự án luật trình cho ý kiến và các báo cáo về công tác tư pháp; nghe trình bày các tờ trình, báo cáo. Đợt 2, Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội; ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng XIII và cho ý kiến về 4 dự án luật; nghe báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.
Dự kiến tổng thời gian làm việc là 19,5 ngày (đợt 1 gồm 8 ngày, bắt đầu từ ngày 20-10 và kết thúc ngày 28-10; đợt 2 gồm 11,5 ngày, bắt đầu từ ngày 3-11 và bế mạc kỳ họp ngày 17-11).
Trước đó, sáng cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ và một số cơ quan về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước. Kết quả rà soát cho thấy, tổng số văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ tiến hành rà soát là 8.779 văn bản được ban hành đến hết ngày 30-6-2020, còn hiệu lực, thuộc thẩm quyền ban hành của các cơ quan từ cấp bộ trở lên. Qua đó, phát hiện nhiều nội dung quy định trong các văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Trong khi đó, theo Ủy ban Pháp luật, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt nhưng so với các năm trước số lượng nợ văn bản quy định chi tiết có xu hướng tăng lên. Cụ thể, đến ngày 31-8-2020, trong diện rà soát còn 32 trong số 103 văn bản (chiếm 31%) vẫn chưa được ban hành, trong đó có 6 văn bản chậm hơn 1 năm. Bên cạnh đó vẫn có một số văn bản được phát hiện có dấu hiệu trái luật.