Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội XI, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhận định Trung Quốc đang và sẽ đối phó với một năm có diễn biến vô cùng phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang oằn mình chống chọi với “cơn bão” lạm phát. Hàng loạt kế hoạch trình Quốc hội đều có điểm chung là hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở lấy lợi ích người dân làm điều kiện tiên quyết.
Rút ngắn khoảng cách giàu nghèo
Tháng 2 vừa qua, thế giới xôn xao trước con số tăng trưởng kinh tế 10,3% của Trung Quốc trong năm 2010, đưa nước này trên lý thuyết vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới. Thế nhưng, một thực tế là nhiều người dân Trung Quốc nhìn nhận: “GDP không phải đích đến cuối cùng của sự phát triển mà quan trọng hơn hết, đó là chất lượng cuộc sống”. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của quốc gia châu Á này vẫn khiêm tốn trong bảng xếp hạng năm 2010 với vị trí thứ 95, mức 4.283 USD/năm. Chính phủ Trung Quốc ước tính hiện có trên 150 triệu người sống dưới mức nghèo khổ (mức sống dưới 1USD/ngày).
Phát biểu trong phiên họp ngày 6-3 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội XI, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh sẽ tiến đến xóa bỏ đói nghèo vào năm 2020. Theo đó, mức đói nghèo hiện tại là 1.196 NDT/năm (khoảng 0,5 USD/ngày) sẽ được nâng lên, kèm theo đó là nhiều chương trình hỗ trợ và phát triển cộng đồng, tập trung ở những điểm nóng khó khăn.
Một thông tin đáng mừng, thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc trước khi kỳ họp diễn ra là việc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã thông qua đề cương tăng ngưỡng thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân của người dân nước này đang ở mức 2.000 NDT (300 USD)/tháng. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các đối tượng là người lao động nghèo và giới trung lưu trong xã hội Trung Quốc trước bối cảnh lạm phát gia tăng, đe dọa cuộc sống của người dân. Chính phủ Trung Quốc cũng đã có kế hoạch tạo thêm 9 triệu việc làm ở khu vực đô thị, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực này ở mức 4,6% hoặc thấp hơn.
Khống chế lạm phát
Trong dự thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015) trình Quốc hội, Trung Quốc đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 7%/năm trong vòng 5 năm tới, tạo thêm hơn 45 triệu việc làm ở khu vực đô thị, khống chế tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị không quá 5%, đảm bảo giá cả ở mức tương đối ổn định, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tạo bước đột phá trong các ngành công nghiệp chiến lược mới, tỷ lệ đô thị hóa tăng lên 51,5%, chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển chiếm 2,2% GDP.
Mức tăng trưởng không quá cao này là cách Trung Quốc kiềm chế lạm phát. Để kiểm soát giá cả, Trung Quốc sẽ ưu tiên hàng đầu cho việc ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2011. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBC) từ ngày 20-1 cũng tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 50 điểm cơ sở lên 19,5% nhằm đối phó với tình trạng lạm phát tăng cao tại nước này. Việc tăng tỷ lệ dự trữ được cho là phù hợp với kế hoạch giảm thanh khoản, một trong những nhân tố khiến lạm phát tăng cao tại Trung Quốc.
Tăng cường an ninh, quốc phòng
Bên cạnh nhiệm vụ bảo đảm kinh tế phát triển ổn định, an ninh quốc phòng là vấn đề mũi nhọn giúp đảm bảo sự ổn định về chính trị của mỗi quốc gia. Theo báo cáo của Bộ Tài chính Trung Quốc trước Quốc hội, chi phí dành cho việc duy trì thực thi pháp luật và trật tự năm 2010 là 548,6 tỷ NDT (hơn 83,5 tỷ USD), cao hơn mức được ước tính 533,5 tỷ NDT (81,2 tỷ USD). Trong năm nay, ngân sách dành cho ngành an ninh nội địa được đề xuất tăng 13,8% so với năm ngoái để đạt gần 760 NDT (116 tỷ USD). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng quyết định tăng ngân sách quốc phòng của nước này năm 2011 thêm 12,7% so với năm 2010, đưa mức chi để phát triển lực lượng vũ trang của mình lên 601 tỷ NDT (91,5 tỷ USD).
Như Quỳnh