Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Dự kiến thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 8 dự án luật

Ông Vũ Đức Đam
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Dự kiến thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 8 dự án luật

(SGGP).– Chiều 17-10, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Tại cuộc họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 21-10 tới; dự kiến bế mạc vào ngày 30-11, làm việc trong thời gian hơn 1 tháng. Đây là kỳ họp dài nhất của QH khóa XIII, tính đến thời điểm này và cũng là kỳ họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều hơn cả - tổng cộng có 10 ngày làm việc được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Trong kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 8 dự án luật; cho ý kiến về 12 dự án luật khác. Trong số các dự án luật được xem xét thông qua tại kỳ này có Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Tiếp công dân; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Bên cạnh việc xem xét các báo cáo về vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách... theo thông lệ, QH sẽ nghe, thảo luận, cho ý kiến và thông qua báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm 2011 - 2015; kết quả thực hiện từ 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện đến hết năm 2015; báo cáo việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Quốc hội sẽ thực hiện việc giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009 - 2012. Khoảng 30 báo cáo khác không được trình bày tại nghị trường nhưng sẽ được gửi đến các ĐBQH để nghiên cứu.

Quốc hội sẽ phê chuẩn 2 Phó Thủ tướng mới

Trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề nhân sự tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, Thủ tướng Chính phủ có đề nghị Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Thiện Nhân hiện đã sang làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cùng với việc đề xuất Quốc hội phê chuẩn một tân Phó Thủ tướng thay ông Nguyễn Thiện Nhân, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị được tăng thêm 1 Phó Thủ tướng nữa. Như vậy, kỳ này, Quốc hội sẽ phê chuẩn 2 Phó Thủ tướng.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, danh sách nhân sự này do Thủ tướng đề xuất Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Trong danh sách này, có ông Vũ Đức Đam, hiện là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ có tờ trình miễn nhiệm chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam. Vị trí ứng viên Phó Thủ tướng còn lại là ông Phạm Bình Minh, hiện là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Thông lệ từ các khóa trước, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nên ông Phạm Bình Minh có thể cũng sẽ như vậy. Do đó, Chính phủ không trình việc miễn nhiệm Bộ trưởng Phạm Bình Minh”. Về nhân sự dự kiến sẽ thay thế vị trí của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam (khi ông được miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng và được phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng), ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội nhân sự thay thế.

Ông Vũ Đức Đam (trái) và ông Phạm Bình Minh.

Ông Vũ Đức Đam (trái) và ông Phạm Bình Minh.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, một nội dung đặc biệt quan trọng khác của kỳ họp tới là Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình ra Quốc hội lần này còn 2 nội dung cơ bản có ý kiến khác nhau. Thứ nhất là vấn đề chính quyền đô thị, dự thảo vẫn đưa ra 2 phương án. Phương án 1 sẽ quy định rõ trong luật để có điều kiện đánh giá tổng kết rõ ràng hơn về mô hình mà TPHCM đang thí điểm. Phương án 2 là quy định tương đối cụ thể về chính quyền ngay trong Hiến pháp.

“Nhiều ĐBQH chuyên trách nghiêng về phương án 1 để chúng ta có điều kiện đánh giá kỹ càng hơn”, người đứng đầu VPQH nói thêm. Vấn đề thứ hai là việc có nên thành lập Hội đồng Hiến pháp hay không. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, mô hình này chúng ta chưa làm bao giờ. Thời gian qua, chúng ta có Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đang đảm nhận những trách nhiệm của cơ quan dự kiến thành lập này. Do vậy, dự thảo cũng đưa ra 2 phương án. Một là có Hội đồng Hiến pháp và hai là vẫn giữ như hiện nay.

Ông Vũ Đức Đam, sinh ngày 3-2-1963, quê quán Hải Dương. Ông hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Ông từng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, Thứ trưởng Bộ TT-TT, Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, trước khi trở thành Bộ trưởng trẻ nhất tại thời điểm bổ nhiệm trong Chính phủ đương nhiệm.

Ông Phạm Bình Minh, sinh ngày 26-3-1959, quê quán Nam Định. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng khóa X, XI, ĐBQH khóa XIII. Từ tháng 1-2009, ông giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao. Tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII, ông được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

>>Ông Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Anh Thư

Tin cùng chuyên mục