Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 10 dự luật

Chiều ngày 18-5, Văn phòng Quốc hội (VPQH) tổ chức hop báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. 
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: QUANG PHÚC
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: QUANG PHÚC

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm VPQH cho biết, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2020 và cũng là năm thứ năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh việc tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian cho công tác giám sát tối cao, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Theo chương trình, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 20-5 và bế mạc vào ngày 18-6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 19 ngày (không kể ngày nghỉ). Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt:

Đợt 1, họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20-5 đến ngày 29-5).

Đợt 2, họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8-6 đến ngày 18-6). Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 18-6. Trong đó, Quốc hội dành khoảng 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng thời gian của kỳ họp); đồng thời dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Đáng chú ý, các dự thảo Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là CHXHCN Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA); Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU; Nghị quyết về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Về hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, VPQH cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh tế-xã hội); báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV; xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” và biểu quyết thông qua Nghị quyết về nội dung này; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ không tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn; quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản; các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định. 

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm VPQH, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, do bối cảnh dịch Covid-19, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến. Tuy vậy, VPQH bảo đảm mọi điều kiện về cơ sở vật chất, nội dung để bảo đảm kỳ họp thành công. Họp trực tuyến nhưng cách thức, chất lượng như họp trực tiếp. Về việc xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và có ý kiến sẽ đưa vào chương trình kỳ họp sau về nội dung này, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo kỹ hơn.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua 10 dự luật ảnh 1 Quang cảnh buổi họp báo Quốc hội chiều 18-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tiến hành miễn nhiệm Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Hai nhân sự trên đã được phân công nhiệm vụ mới.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Hà Nội. Do đó, theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (hiện là Trưởng Ban Dân nguyện) do được phân công nhận nhiệm vụ mới. Nhân sự thay thế vị trí của bà Hải sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội ngay sau đó.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, việc miễn nhiệm này là “tin vui”, vì các vị trí được phân công nhiệm vụ mới.

Cũng tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiệm kỳ tới sẽ nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý mức giảm trừ gia cảnh tăng lên 11 triệu đồng

Tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV chiều 18-5, ông Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật kiêm Phó tổng thư ký Quốc hội cho biết,  Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đã xem xét và quyết định tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng theo tờ trình của Chính phủ.

Như vậy, mức giảm trừ gia cảnh nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng một tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng một tháng. Với mức này, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ mới.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, theo ủy quyền của Quốc hội, UBTV Quốc hội không có quyền quyết định đối tượng nào chịu thuế, mà chỉ quyết định điều chỉnh mức tăng giảm trừ gia cảnh nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động vượt 20% trên cơ sở đề xuất của Chính phủ (từ năm 2013 đến nay CPI đã tăng 23,2%). Đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng của Chính phủ là phù hợp với biến động tăng của CPI.

Theo tờ trình của Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng một tháng, 3,6 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc sẽ được xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.

Trước đó, nhiều chuyên gia chê mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là "lạc hậu", vô cảm khi kinh tế vừa qua đã tăng lên nhiều so với mức tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng mà cơ quan soạn thảo đề xuất.  Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị thời gian tới, Chính phủ tổng kết, đánh giá tổng thể việc thực hiện Luật thuế Thu nhập cá nhân giai đoạn 2011-2020 để sửa đổi một cách căn bản, toàn diện.

Tin cùng chuyên mục