Công tác phát triển đoàn viên và kỹ năng thương lượng của cán bộ công đoàn cơ sở (CĐCS)” là chủ đề hội thảo quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội nhằm trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng hoạt động công đoàn, đặc biệt trong vấn đề thương lượng tập thể, phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, ông Kjetil Larsen, đại diện Ủy ban Quốc tế Liên hiệp Công đoàn TP Oslo (Na Uy) cho biết, khâu chuẩn bị của CĐCS sẽ quyết định tới sự thành công trong thương lượng, đàm phán. Cần sử dụng các phương pháp thương lượng một cách hợp lý. Đặc biệt trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, cán bộ CĐCS cần phải có các kỹ năng đàm phán như học qua thực hành, giao tiếp, thông qua đàm phán hàng ngày, qua giao tiếp phi ngôn ngữ và các thông điệp thông qua quá trình giao tiếp, khắc phục và vượt qua lo âu, căng thẳng trong những tình huống khó xử hoặc không quen thuộc.
Từ thực tế, nhiều ý kiến rút ra bài học, trước khi thương lượng, cán bộ CĐCS cần xác định được những thông tin gì liên quan và hỗ trợ cho việc thương lượng (như nếu thương lượng về lương thì phải thu thập được các văn bản pháp lý của Nhà nước về tiền lương, các số liệu về lương của các đơn vị khác cùng tính chất, hoặc số liệu về tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị, những đặc thù của đơn vị…). Bên cạnh đó, kiểm tra kỹ nguồn thông tin, đảm bảo về độ chính xác và có căn cứ cần thiết, nếu có tài liệu gốc thì càng tốt. Phải biết cân nhắc, lựa chọn các thông tin, số liệu có sức thuyết phục cao nhất để sử dụng, tránh dùng những thông tin số liệu có khả năng làm chệch hay phản lại chủ ý của mình.
Thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo được những lợi ích cơ bản của người lao động với mức cao hơn hoặc bằng mức quy định của pháp luật; đáp ứng được lợi ích chính đáng của cả hai bên (người sử dụng lao động và người lao động) trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện và có tính khả thi; không làm tổn hại đến quan hệ hai bên dù nội dung thương lượng đạt hay có thể chưa đạt được kết quả mong muốn. Phải biết cách tổ chức lấy ý kiến, biết cách thuyết phục, dẫn dắt dư luận, thái độ của tập thể lao động.
Chẳng hạn chuẩn bị trước cho một số người ủng hộ quan điểm của mình sẽ phát biểu trước trong các cuộc họp lấy ý kiến để tranh thủ sự ủng hộ của những người còn phân vân, chưa có chính kiến. Cần thiết phải thành lập Ban đại diện thương lượng. Khi thành lập ban đại diện tham gia các cuộc thương lượng, cần phải quan tâm đến số lượng, tiêu chuẩn và kết cấu thành viên Ban đại diện thương lượng theo thỏa thuận với phía bên kia, nhưng cố gắng có một số lượng đủ để đưa được những cán bộ có năng lực tham gia nhằm tăng sức nặng thuyết phục trên bàn thương lượng.
LÊ MINH QUANG
(Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)