Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 - 23-11-2022): Người thành lập Đại học Quốc gia TPHCM

Giữa năm 2008, chúng tôi đã đến trình bày với chú Sáu Dân và đề nghị được tiếp tục xây dựng Đại học Quốc gia theo mô hình, ý tưởng mà chú, Chính phủ định hướng. Tôi nhớ lúc đó, dù đang sửa soạn đi công tác Hà Nội, nhưng chú vẫn nói thư ký của chú soạn một thư ngắn gửi cho lãnh đạo Chính phủ. 
Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ các đại biểu Việt kiều nhân kỷ niệm 18 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4-1993
Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp gỡ các đại biểu Việt kiều nhân kỷ niệm 18 năm Ngày giải phóng miền Nam 30-4-1993

Vì là thư riêng, Đại học Quốc gia không được nhận lá thư đó, nhưng tôi có được xem qua. Tôi vẫn nhớ nội dung lá thư rất ngắn gọn, cơ bản là nếu không có gì ảnh hưởng lớn thì hãy giữ nguyên Quy chế 2001 cho 2 Đại học Quốc gia. Đó là lá thư cuối cùng chú viết về Đại học Quốc gia. Và như thế, dù chú đã đi xa, Đại học Quốc gia TPHCM đã có một thời gian ổn định để tiếp tục xây dựng và phát triển.

1. Chúng tôi là thế hệ thứ tư, lớn lên sau chiến tranh, có được một đất nước trọn vẹn, hòa bình, có những ước vọng về xây dựng, đóng góp cho phát triển của thành phố, đất nước. Những ngày đó, chú Võ Văn Kiệt - Sáu Dân, một trong những người lãnh đạo thành phố đã đốt lên ngọn lửa nhiệt huyết của những người trẻ chúng tôi. 

Sau bài diễn văn trong ngày ra quân “Thanh niên xung phong” xây dựng thành phố, hình ảnh của chú Sáu Dân là một vị lãnh đạo thành phố mạnh mẽ trong bộ đồ vải thô, vác cuốc cùng anh em ra trận tuyến, là những bài phát biểu đầy trí tuệ với thế hệ trẻ... Những tháng ngày sục sôi khi biên giới hòa bình bị rung chuyển, cả một ngày tại vườn Tao Đàn, chú nói chuyện với chúng tôi, hàng vạn thanh niên khát khao hòa bình, về Tổ quốc và chiến tranh. Chúng tôi say với tuổi trẻ và đất nước một cách trong sáng, hồn nhiên, và trong thành phố này có chú Sáu Dân, một trong những người đi đầu, dẫn dắt chúng tôi theo. 

Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, trước những bài toán lớn của quốc gia, chú đã có những quyết sách tầm vĩ mô như phát huy đúng tiềm năng của ĐBSCL qua các dự án cải tạo Đồng Tháp Mười, thoát nước ra bờ Tây; điện cho miền Nam, đại “công trường” đường dây 500kV... Về phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cần có những đổi mới giáo dục đại học mạnh mẽ, và Đại học Quốc gia là một mô hình mà chú Sáu Dân gửi gắm nhiều kỳ vọng. Mô hình này xuất phát từ ước muốn có một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lớn, tầm cỡ khu vực, thế giới, góp phần không chỉ cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng mà còn vào sự phát triển của khu vực Nam bộ và đất nước. Một mô hình mới trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam được khởi đầu, và Đại học Quốc gia TPHCM được bắt đầu từ đó. 

Từng bước xây dựng và phát triển Đại học Quốc gia TPHCM, điều lớn nhất chúng tôi học được từ chú Sáu Dân là sự quyết liệt và kiên trì theo đuổi mục tiêu đặt ra, một khi nhìn nhận rằng điều đó cần cho đất nước, xã hội. Việc xây dựng một khu đại học lớn, hướng đến một “thành phố sinh viên/thành phố đại học” đầu tiên của cả nước, với hàng trăm mẫu đất chưa đền bù, giải tỏa, nơi sinh viên không chỉ đến học tập mà còn sinh sống, trưởng thành, hoàn thiện văn hóa… Tất cả đều mới mẻ, đầy khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy cuốn hút, đam mê. 

Những ngày ấy, đứng trên mảnh đất Linh Trung (Thủ Đức) - Dĩ An (Bình Dương), vùng đất còn khô cằn, cỏ cây um tùm, chúng tôi đã nuôi dưỡng ước mơ về một thành phố đại học tương lai, xây dựng một trung tâm đại học cho Nam bộ, cho TPHCM. Khi gặp các khó khăn, chúng tôi lại trở về gặp chú, các anh lãnh đạo. Chú luôn sẵn sàng lắng nghe một cách kiên nhẫn những khó khăn của chúng tôi. Sau đó là những lời động viên, những ý kiến chỉ đạo, và đôi khi là những cú điện thoại, những lá thư chú gửi đến những nơi liên quan để chia sẻ, giải quyết những khó khăn trong quá trình xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM. 

2. Khi tôi tham gia quản lý Đại học Quốc gia TPHCM, chú Sáu Dân không còn giữ trọng trách ở Chính phủ, tuy nhiên chú vẫn bên cạnh chúng tôi. Và cũng như những ngày đầu mới thành lập, khi có những khó khăn, chúng tôi lại tìm đến chú. Lâu lâu, chú lại gọi chúng tôi đến hỏi thăm tình hình chung, góp ý kiến cụ thể. Trong những lần được chú gọi về, cho ý kiến, tôi nhớ nhất là hai lần mà tôi đã học được rất nhiều từ tư duy và tính cách của chú. 

Lần thứ nhất, tôi được học bài học về tư duy, về tổ chức và hiệu quả công việc. Một ngày vào năm 2007, trong một lần xin ý kiến chú về việc chung, chú chợt hỏi: “Các thầy giáo ở tuổi 60 còn khỏe không? Còn giảng dạy được không?”. Tôi trả lời: “Dạ rất tốt, thậm chí đứng về kiến thức chuyên môn, lúc này các thầy, cô lại có độ chín, kinh nghiệm chuyên môn rất quý!”. Chú hỏi tiếp: “Thế sao nhà trường lại cho các thầy, cô về hưu?”. Tôi lại trả lời: “Dạ theo quy định nhà nước, đến tuổi là nghỉ hưu về hành chánh, nhưng các thầy, cô vẫn có thể được ký hợp đồng để tiếp tục giảng dạy chuyên môn nếu còn sức khỏe và có nguyện vọng”. Chú nói tiếp: “Chúng ta đều biết, khi các thầy, cô còn trong biên chế nhà trường thì về mặt tâm lý, việc giảng dạy, tình cảm sẽ có khác với khi đã nghỉ hưu và trở lại ký hợp đồng với trường! Vậy trường có thể ký kéo dài thời gian làm việc của các thầy, cô không?”. Tôi đành trả lời: “Dạ quy định không cho phép ạ!”. Nghe thế, chú cười lớn và nói: “Cậu có thấy điều đó là đúng không? Nếu đúng, cậu xin phép Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ và Chính phủ để làm thí điểm, nếu được thì góp ý thành quy định chung”. Lúc này, tôi thấy mình đuối lý, nhưng cũng hỏi thêm một câu: “Thế các thầy, cô đến tuổi mình giữ lại hết hả chú?”. Chú lại trả lời: “Không! Chỉ những người giỏi, làm tốt, hiệu quả cậu mới giữ lại, còn nếu họ không làm tốt thì thôi. Muốn thế thì cậu phải lập một hội đồng công khai, thật công bằng để quyết định vấn đề này”. Tôi nói: “Làm thế thì cháu sẽ đụng cả hai phía: Chính phủ cho là làm không đúng luật, các thầy, cô sẽ trách là đánh giá chưa đúng thầy, cô!”. Chú lại cười lớn: “Cậu làm quản lý mà sợ đụng chạm à? Với nhà nước, cậu đưa thẻ Đảng ra để xin làm thí điểm, nếu cậu làm tốt thì trả thẻ cho cậu, còn cậu làm sai thì giữ luôn! Trong cuộc đời mình, mình cũng đã đưa thẻ Đảng ra để bảo lãnh cho công việc mấy lần”. Đến đây, tôi thật sự học được nhiều điều và hứa với chú sẽ nghiên cứu để xin triển khai thí điểm việc này. Sau lần đó, Đại học Quốc gia TPHCM đã có văn bản gửi các cấp quản lý và có ý kiến phát biểu trong nhiều phiên họp về việc kéo dài thời gian giảng dạy cho các thầy, cô có trình độ cao… Và năm 2013, Chính phủ có nghị định cho phép kéo dài thời gian giảng dạy của các thầy, cô có trình độ tiến sĩ trở lên. 

Bài học thứ hai là về trách nhiệm, chất lượng chuyên môn và tập hợp chuyên gia. Đầu năm 2008, chú Sáu Dân gọi tôi đến để nói về trách nhiệm của Đại học Quốc gia TPHCM với việc tham gia xây dựng các chính sách quốc gia. Chú nói về vai trò của một trung tâm khoa học lớn đối với thành phố, đất nước; về vai trò người trí thức và việc nhìn nhận một vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Chú đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM tập hợp nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, có thể có những cách nhìn khác nhau, nhưng tất cả phải trên cùng một cơ sở là mong muốn đóng góp thật sự cho đất nước, phải thật sự khách quan và khoa học. Chú gợi ý thành lập nhóm chuyên gia nghiên cứu chính sách quốc gia ở Đại học Quốc gia TPHCM, và chú sẽ giới thiệu một số chuyên gia, anh em Việt kiều ở nước ngoài có thể cùng tham gia với Đại học Quốc gia TPHCM. Rất tiếc, việc chưa triển khai thì chú đã đi xa mãi mãi. Công việc nối nhau, để đến nay Đại học Quốc gia TPHCM vẫn chưa thực hiện được ý tưởng này của chú, dẫu Đại học Quốc gia TPHCM vẫn luôn đặt nhiệm vụ cho mình là phấn đấu đóng góp hiệu quả vào việc xây dựng các chính sách quốc gia. 

Trong những ngày này, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng với những cảm xúc chung, Đại học Quốc gia TPHCM có những kỷ niệm, những tình cảm riêng đối với một người lãnh đạo đã quan tâm đến giáo dục đại học, người đã dựng nên Đại học Quốc gia TPHCM, một trung tâm đại học của vùng Nam bộ, của đất nước. Đại học Quốc gia TPHCM đã làm được nhiều việc, đạt được nhiều thành quả, nhưng để trở thành một đại học như chính giá trị của nó thì còn phải phấn đấu nhiều. Và để Đại học Quốc gia TPHCM có thể như kỳ vọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì còn phải làm nhiều, rất nhiều hơn nữa.

Tin cùng chuyên mục