Tự chủ đại học không phải là buông lỏng giám sát và kiểm định chất lượng

Chiều 11-7, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (thuộc Văn phòng Chính phủ) tổ chức tọa đàm với chủ đề “Tự chủ đại học - cơ hội nào để phát triển?”.

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, PGS-TS Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến chủ trương tự chủ đại học chuyển biến chậm trong những năm qua.

Thứ nhất, xã hội và chính các cơ sở giáo dục đại học hiểu chưa đúng về tự chủ đại học. Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách là tăng cường tự chủ đại học, nhưng lại cắt đầu tư ngân sách. Điều đó khiến cho tự chủ đại học đồng nghĩa với các cơ sở giáo dục phải tự lo toàn bộ chi phí.

cover-17522164775241240434686.jpg
Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm, chiều 11-7

Thứ hai, tồn tại tình trạng mâu thuẫn trong quyền điều hành, quản lý. Các cơ sở giáo dục đại học hiện nay còn sự chồng lấn giữa hội đồng trường, đảng ủy và ban giám hiệu nhà trường, dẫn đến sự không hiệu quả trong điều hành nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ ba, cơ chế tự chủ chưa thực sự mở. Khi tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải tuân thủ theo các hệ thống, văn bản pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, giữa các luật này chưa có sự thống nhất, đồng bộ, còn có sự “đâm ngang” nhau.

Do đó, trong bối cảnh mới, Nhà nước cần đóng vai trò “kiến tạo”, tập trung xây dựng hệ thống chuẩn mực về cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra. Thay vì tiền kiểm cứng nhắc, cần đẩy mạnh hậu kiểm để giám sát hiệu quả và thực chất hơn. Cùng với đó là việc thiết lập văn hóa đảm bảo chất lượng nội sinh và đổi mới mô hình quản trị tại các trường công lập.

Ở góc nhìn thực tiễn, GS-TS, Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (thuộc Bộ Công an) cho rằng, đánh giá chất lượng giáo dục đại học không thể chỉ dừng lại ở những bộ tiêu chí hành chính.

Thước đo thực chất phải đến từ nhu cầu và phản hồi của thị trường lao động - nơi sinh viên tốt nghiệp có khả năng đáp ứng công việc ra sao, doanh nghiệp và cơ quan tuyển dụng đánh giá thế nào.

Trong khi đó, PGS-TS Hoàng Đình Phi, Hiệu trưởng Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, thành công của tự chủ đại học phải đến từ sự đồng bộ của nhiều yếu tố có tính cốt lõi, đó là phát triển một mô hình đào tạo sáng tạo, kết hợp nghiên cứu liên ngành, giảng dạy theo các chương trình liên ngành mới và chuyển giao tri thức cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Mô hình này tạo thành một chu trình khép kín, mang lại giá trị bền vững cho giáo dục và xã hội. Thành công này được dẫn dắt bởi đường lối đổi mới giáo dục toàn diện của Đảng, với trọng tâm nâng cao chất lượng đào tạo đại học để hội nhập quốc tế.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm khi cho rằng tự chủ đại học không chỉ là một xu hướng tất yếu mà còn là động lực để nâng cao chất lượng đào tạo, thúc đẩy đổi mới quản trị và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, tự chủ không có nghĩa là buông lỏng quản lý, mà vẫn cần phải có sự kiểm định chất lượng và giám sát xã hội. Kiểm định chất lượng không nên chỉ là một thủ tục kỹ thuật, mà cần được tái thiết như một phần quan trọng trong hệ sinh thái tự chủ.

Đây cũng là nguyên tắc được các chuyên gia khẳng định trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục đại học, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10-2025. Việc sửa đổi luật được kỳ vọng sẽ tạo dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho giai đoạn phát triển mới, trong đó tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, kiểm định chất lượng gắn với thực tiễn xã hội, và người học được đặt ở vị trí trung tâm của hệ thống giáo dục đại học.

Tin cùng chuyên mục