Giáo dục STEM: Ươm mầm những tài năng khoa học trẻ

Giáo dục STEM đang “thổi luồng gió mới” vào giáo dục phổ thông, mang đến cho học sinh cơ hội khám phá, sáng tạo và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Đây không chỉ là sân chơi trí tuệ mà còn là bệ phóng cho thế hệ trẻ bước vào kỷ nguyên công nghệ số.

Cầu nối tri thức và thực tiễn

Tại Triển lãm BKDN Techshow 2025 tổ chức tại Trường THPT Trần Phú (phường Hải Châu, TP Đà Nẵng), em Nguyễn Gia Bách, học sinh lớp 10A4, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn mang đến sản phẩm STEM do mình sáng tạo để thử nghiệm cùng robot của đội bạn tại Khoa Khoa học Công nghệ Tiên tiến.

“Việc tự tay chế tạo mô hình, vận hành thiết bị giúp em hiểu sâu hơn kiến thức trên lớp. Những tiết học khô khan trở nên sống động và dễ tiếp thu hơn”, Gia Bách chia sẻ. Em cho biết đang định hướng theo ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ nên mong muốn được tiếp cận công nghệ từ sớm.

IMG_7436.jpeg
Học sinh Trường THPT Trần Phú trình bày ý tưởng của mình tại Triển lãm BKDN Techshow 2025. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không chỉ học sinh Trường chuyên Lê Quý Đôn, nhiều em tại Trường THPT Ngô Quyền (phường An Hải) và THPT Nguyễn Văn Thoại (phường Hòa Xuân) cũng lần đầu trải nghiệm thiết bị cơ khí hiện đại như máy ép chén đĩa thân thiện môi trường, máy CNC, máy khắc laser… tại xưởng thực hành Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng. Bài học chuyển động vật lý được liên hệ về những hình ảnh quen thuộc hàng ngày của các em, từ đó trở nên gần gũi, trực quan hơn.

IMG_7439.jpeg
Em Nguyễn Gia Bách (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng) giới thiệu sản phẩm STEM tại Triển lãm BKDN Techshow 2025. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Tại tỉnh Gia Lai, giáo dục STEM được ngành GD-ĐT triển khai từ năm 2020, kết hợp cả giáo dục trí tuệ nhân tạo (AI) và coi đây là tiêu chí đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục. Mô hình triển khai theo ba hình thức: bài học STEM, hoạt động trải nghiệm và nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Học sinh thể hiện sự hứng thú cao, đồng thời bộc lộ năng khiếu, giúp nhà trường và ngành giáo dục có định hướng đào tạo sớm. Một trong những đơn vị tiên phong là Trung tâm Khám phá và Đổi mới sáng tạo Quy Nhơn, tọa lạc tại thung lũng Quy Hòa (phường Quy Nhơn Nam, tỉnh Gia Lai). Trung tâm tổ chức đa dạng chương trình: show khoa học vật lý - hóa học, thiên văn - vũ trụ, thực hành chế tạo như làm chong chóng nhiệt, nến thơm, sử dụng kính thực tế ảo, robotics, STEM ẩm thực… Trong năm 2024, trung tâm đã mang các hoạt động STEM đến hơn 30 trường tiểu học, THCS trên địa bàn, tận dụng dịp nghỉ hè, lễ tết để học sinh trải nghiệm ngoài giờ học chính khóa.

Mong muốn nhân rộng

Dù được đầu tư mạnh mẽ, giáo dục STEM vẫn chưa thực sự phổ cập. Theo ông Nguyễn Ngọc Hóa, Giám đốc Trung tâm Khám phá và Đổi mới sáng tạo Quy Nhơn, trung tâm hiện có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm cùng trang thiết bị hiện đại chuyển giao từ các nước tiên tiến. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là học sinh chưa có nhiều cơ hội tiếp cận. “STEM vẫn còn là điều mới mẻ với không ít em, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa” ông Hóa chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Gia Lai, để mở rộng quy mô, sở phối hợp Sở GD-ĐT triển khai Đề án STEM toàn tỉnh với kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Mỗi huyện sẽ xây dựng một trung tâm STEM dùng chung, lấy Trung tâm Khám phá và Đổi mới sáng tạo Quy Nhơn làm đầu mối cấp tỉnh. Đề án đặt mục tiêu đưa nơi đây trở thành trung tâm STEM lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đồng thời phát triển chương trình đào tạo robotics, góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực mũi nhọn như AI, bán dẫn.

Tại Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đang kết nối 10 trường THPT trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi để đào tạo giáo viên theo hướng tiếp cận STEM. PGS-TS Lê Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, hiện đã có 25 giáo viên tham gia chương trình đào tạo, được cố vấn bởi giảng viên đại học nhằm ứng dụng hiệu quả phương pháp STEM trong giảng dạy. Tuy vậy, một số học sinh vẫn chỉ tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như Toán, Lý, Hóa, trong khi nhiều ngành như Sinh học ứng dụng, Công nghệ môi trường, Nông nghiệp thông minh… lại chưa được quan tâm đúng mức. “Việc thiên lệch hướng nghiên cứu có thể dẫn đến mất cân đối nguồn nhân lực trong tương lai. Vì thế, cần đưa giáo dục STEM vào chương trình đào tạo ngành sư phạm, đồng thời đầu tư bài bản cho cơ sở vật chất của các trường đào tạo giáo viên”, PGS-TS Lê Tiến Dũng đề xuất.

Từ góc nhìn quản lý, ông Phạm Tấn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, nhận định, giáo dục STEM hiện đã lan tỏa mạnh mẽ, nhiều sản phẩm công nghệ của học sinh có tính ứng dụng cao, góp phần nâng chất lượng dạy và học. STEM là phương pháp tiếp cận liên ngành, gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp học sinh phát triển tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề, tăng khả năng hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa. Để phát huy hiệu quả, cần tiếp tục tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp và nhà trường, tạo nên hệ sinh thái giáo dục toàn diện và bền vững.

Tin cùng chuyên mục