Ký quỹ khi được giao đất đầu tư

(SGGP). - Ngày 10-10, đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

(SGGP). - Ngày 10-10, đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Đầu tư sửa đổi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, phân tích, tại khoản 3b, Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định việc “Ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư” khi được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. Chế định ký quỹ này rất quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh các dự án có sử dụng đất, nhưng trong dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi chưa thấy quy định. Trong khi đó, ở 2 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi đều có quy định việc ký quỹ. Vì vậy, dự thảo Luật Đầu tư cần bổ sung chế định ký quỹ để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Còn đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, một ưu điểm của dự thảo luật lần này là quy định việc Chính phủ căn cứ vào quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, “tiến hành rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh trong luật”. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, nhà làm luật không thể định lượng được đầy đủ và chính xác các lĩnh vực cần đầu tư có điều kiện, các lĩnh vực nên cấm đầu tư ngay tại thời điểm làm luật và trong tương lai.

Vì vậy, nếu quy định một cách “cứng nhắc” thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu và cơ hội phát triển trong tương lai. Do đó, dự thảo luật nên quy định thêm thời hạn rà soát định kỳ để công việc được tiến hành một cách có kế hoạch, cũng như quy định việc tiến hành rà soát đột xuất theo nhu cầu của thực tiễn.

Đối với dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, một trong những quy định được các đại biểu tập trung thảo luận là quy định về cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký DN.

Theo Sở Công thương TPHCM, việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN được giao về một đầu mối là cơ quan đăng ký DN và thực hiện theo phương thức nhập dữ liệu bằng tay từ bản sao chứng từ của các ngành chức năng gửi về là không đảm bảo tính khả thi, hiệu quả (về mặt chi phí) và tính minh bạch. Nên chăng, dự thảo quy định các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm phối hợp, chia sẻ và trao đổi thông tin qua phương thức điện tử và công khai các thông tin trên.

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục