Ký ức của những người lính bảo vệ biên cương

Dù hơn 40 năm, nhưng những mất mát, khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2-1979) vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí những người lính năm xưa. Họ vẫn miệt mài thu thập thông tin, tư liệu quý giá từ các đồng đội để tái hiện cuộc chiến, làm sống dậy những trang sử vẻ vang của Tổ quốc.
Những cuốn sách về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc
Những cuốn sách về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

Biểu tượng bất khuất của tinh thần yêu nước

Trong những ngày tháng 2 lịch sử này, cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa của bác sĩ Nguyễn Thái Long, người từng tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979, được giới thiệu ra mắt, đã làm dày thêm những câu chuyện đầy tự hào về những người lính bảo vệ biên cương năm xưa.

Đèo Khau Chỉa nằm cách cửa khẩu Tà Lùng trên biên giới Việt - Trung khoảng hơn 10 cây số, án ngữ trên quốc lộ 3 dẫn từ biên giới về trung tâm tỉnh Cao Bằng, là một tuyến phòng ngự quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Là người lính từng trực tiếp tham gia chiến đấu trên mặt trận Khau Chỉa, những ký ức về đồng đội, về những năm tháng bảo vệ biên cương đã thôi thúc tác giả Nguyễn Thái Long cầm bút. Sau nhiều năm miệt mài thu thập, lưu trữ thêm thông tin, tư liệu quý giá từ các đồng đội, cuốn Tiếng vọng đèo Khau Chỉa đã ra đời.

Xuất hiện dày đặc trong cuốn sách là những địa danh như cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man… gắn liền với những trận đánh ác liệt; là những đồng đội của tác giả, như: bố Hoan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 chỉ huy chặn đánh kịp thời đoàn xe tăng địch; là pháo thủ Hồ Tuấn đạp cò khẩu 14,5 ly đỏ rực nòng súng, khiến địch lăn lông lốc, ôm đầu máu tháo chạy; là cậu lính trẻ Mai Xuân Quang dũng cảm chiến đấu giữa vòng vây trùng điệp của quân thù…

Điều quan trọng, theo tác giả Nguyễn Thái Long, là việc kể lại câu chuyện của mỗi đồng đội không chỉ liên quan đến các sự kiện lịch sử, mà hơn thế nữa là một biểu tượng bất khuất của tinh thần yêu nước. Cựu chiến binh này chia sẻ, viết không phải là “sở trường”, nhưng nếu không viết ra, người lính ấy cảm thấy như mắc nợ anh em đồng đội của mình và có lỗi với con cháu vì đã để chúng không biết gì về Khau Chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên…

Cuốn sách không chỉ có chiến thắng mà còn có cả đau thương, mất mát… Và trên hết, đây chính là tấm lòng của các cựu chiến binh, là nén tâm nhang gửi đến đồng đội, đồng bào đã chiến đấu, hy sinh tại mặt trận biên giới phía Bắc.

Gửi cho thế hệ mai sau

Cùng với mong muốn kể lại chân thực về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trước cuốn Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, nhiều người lính năm xưa cũng đã viết lại câu chuyện của mình và đồng đội.

Năm 2019, có cuốn Những người đi giữ biên cương của các cựu chiến binh Quân đoàn 5 (nay là Quân đoàn 14), lực lượng đã cùng quân và dân các dân tộc ở tỉnh Lạng Sơn lập thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Những người đi giữ biên cương là tập văn, thơ, kịch, tư liệu quý mang đậm chất sử thi của hơn 20 tác giả, hầu hết là cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Lạng Sơn. Đại tá, nhà báo Ngô Văn Học, chủ biên cuốn sách, chia sẻ: “Cuốn sách phản ánh một cách trung thực về hơi thở của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”.

Năm 2020, cuốn Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, một trong những người lính của mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang) cũng là một tác phẩm vô cùng đặc biệt. Ăm ắp sự kiện cùng các tư liệu quý giá, trong đó người đọc còn thấy những nỗi niềm khắc khoải, ám ảnh của người cựu chiến binh về sự hy sinh của đồng đội, những người đã quyết chiến đấu đến cùng để giữ từng tấc đất nơi biên cương của Tổ quốc.

Cũng ra mắt vào năm 2020, cuốn sách ảnh Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 của tác giả Trần Mạnh Thường đã ngay lập tức gây ấn tượng với công chúng. Nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường chia sẻ, ông có mặt tại mặt trận Cao Bằng ngay buổi sáng khi tiếng súng vang trên bầu trời biên giới. Và tới lúc này, khi có trong tay khoảng 60 cuốn sách đã được xuất bản và cũng biên soạn hàng trăm cuốn, song đây vẫn là cuốn sách mà trong lòng ông thấy nhiều cảm xúc nhất.

Theo PGS-TS Lê Văn Cương, Tiếng vọng đèo Khau Chỉa cũng như nhiều cuốn sách khác đã để lại cho thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá. Nhờ đó, họ sẽ được sống lại và cảm nhận được hơi thở, nhịp đập, sức nóng trên chiến trường Cao Bằng - Hà Giang nói riêng và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc những năm 1979-1989 nói chung. Đây một tài liệu vô giá, cho thế hệ sau hiểu được ông cha mình đã chiến đấu như thế nào để bảo vệ đất nước.

Tin cùng chuyên mục