Ký ức một thời ở rừng

Đã thành thông lệ, cứ đến những ngày lễ lớn, từ sau ngày giải phóng đến nay, những cánh rừng miền Đông, Tây Ninh - nơi trước đây là căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào dịp này đón hàng ngàn người trở lại thăm. Cứ mỗi lần họp mặt, chỉ cần nhắc đến tiếng R…, nhắc lại “hồi mình ở R” là biết bao kỷ niệm vui buồn, tình đồng chí… lại trào lên.
Ký ức một thời ở rừng

Đã thành thông lệ, cứ đến những ngày lễ lớn, từ sau ngày giải phóng đến nay, những cánh rừng miền Đông, Tây Ninh - nơi trước đây là căn cứ địa của Trung ương Cục miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào dịp này đón hàng ngàn người trở lại thăm. Cứ mỗi lần họp mặt, chỉ cần nhắc đến tiếng R…, nhắc lại “hồi mình ở R” là biết bao kỷ niệm vui buồn, tình đồng chí… lại trào lên.

Họ là những cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên… của các cơ quan Trung ương Cục miền Nam đã từng chiến đấu, công tác, học tập ở đây. Có người nói vui: 35 năm trước, chúng ta ao ước tiến về Sài Gòn. Bây giờ chúng ta lại cùng nhau trở về thăm căn cứ cũ. Phải chăng thành phố phồn hoa đô hội bây giờ ồn ào, náo nhiệt làm cho người ta cảm thấy ngột ngạt hay càng lớn tuổi người ta lại hay nhớ và tìm về quá khứ? Tôi nghĩ, lẽ nào cũng đúng. Bởi vì quả thật, những nhân vật chính của những cuộc họp mặt bây giờ đã không còn trẻ nữa, người nhỏ nhất cũng đã gần 60 tuổi. Những mái tóc đã hoa râm hay bạc trắng. Những bước chân đã không còn nhanh nhẹn như xưa khi đi trở lại trên những con đường mòn đầy lá. Nhưng ta vẫn bắt gặp những ánh mắt xúc động rưng rưng khi ngắm lại những cánh rừng; những vẻ mặt đầy háo hức, sung sướng khi nhìn những chùm trái gùi, trái chùm đuông- những loại trái cây rừng gắn liền với cuộc sống ở rừng ngày xưa…

Trung ương Cục miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ có một đơn vị lớn là Ban Tuyên huấn, tập hợp những cơ quan văn hóa, thông tin, tuyên truyền, báo chí, dân vận... Chiến khu Ban Tuyên huấn Trung ương Cục - hay còn gọi là Ban Tuyên huấn R ở một khu rừng phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, cách Sài Gòn hơn 100km đường chim bay, giáp biên giới nước bạn Campuchia, nằm dọc thượng nguồn sông Vàm Cỏ với những cái tên địa danh như Xa Mát, bến Ra, Lò Gò, Xóm Giữa… Giữa những cánh rừng xen những trảng lớn hàng trăm hécta như trảng Tà Nốt, trảng Tà Xia, trảng Cố Vấn, trảng Bàu Lùng Tung… Những cái tên chỉ có ở vùng rừng thân thuộc này đã trở thành địa danh những chiến công lịch sử kháng chiến chống Mỹ.

Được coi là một cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng về công tác chính trị tư tưởng văn hóa thời chiến, Ban Tuyên huấn R đã được các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Phạm Hùng… làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam thời kỳ 1961-1975 trực tiếp lãnh đạo hoặc trực tiếp kiêm trưởng ban.

Minh họa: T.Liêm

Minh họa: T.Liêm

Thời ấy, Ban Tuyên huấn R tuy là cơ quan nghiên cứu tham mưu chiến lược về công tác chính trị tư tưởng văn hóa của Trung ương Cục miền Nam nhưng vừa phải đảm nhận vai trò của một cơ quan chính quyền Trung ương của cách mạng miền Nam. Ngày nay các nhiệm vụ ấy thuộc các Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông Tấn xã Việt Nam, Liên hiệp các Hội Hữu nghị, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật…

Ban đã mở trường đào tạo cán bộ chính trị; giáo viên; phóng viên; cán bộ thông tin; đạo diễn điện ảnh, quay phim; diễn viên ca múa nhạc, cải lương v.v... cho các ngành, Ban Tuyên huấn Khu ủy, Tỉnh ủy. Ban đã đưa các đoàn cán bộ Tuyên huấn R gồm nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, quay phim, nhiếp ảnh, các đội văn công xung kích… về các chiến trường để sáng tác phục vụ bà con chiến sĩ, đến tận các cơ sở xã ấp, vùng giải phóng, vùng ấp chiến lược địch còn chiếm đóng, thâm nhập vào vùng đô thị Sài Gòn - Gia Định…

Văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo nổi tiếng và gắn bó với sự nghiệp tuyên huấn miền Nam và cả nước sau này, như: đồng chí Trần Bạch Đằng, Trần Trọng Tân, Tân Đức, Huỳnh Minh Siêng (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước), Tô Bửu Giám…

Sau ngày hòa bình lập lại, các anh chị ở B9 - tức văn phòng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục ngày xưa - vẫn thường xuyên gặp nhau. Mỗi lần có chuyện vui hay buồn hầu như cả B9 đều có mặt: ngày dựng vợ, gả chồng cho con, cháu; ngày một đồng đội mất đi…

Điện ảnh Giải Phóng, xưởng phim Giải Phóng (B10) là một huyền thoại của Ban Tuyên huấn R. Những thước phim chiến trường của Điện ảnh Giải Phóng đã có mặt giữa lòng Sài Gòn, ở Hội nghị Paris, ở Tokyo, Angiêri, Cuba và tại Festival Thanh niên thế giới ở châu Âu… tạo thêm sức thuyết phục cho cuộc đấu tranh ngoại giao, đấu tranh chính trị… gắn liền với những cái tên như Mai Lộc, Nguyễn Hiền, Phạm Khắc, Trần Nhu, Vũ Sơn, Hồng Sến, Lê Văn Duy, An Sơn, Hồ Tây, Đoàn Quốc...

Tiểu ban Văn nghệ với nhiều tác phẩm văn học, nhạc, tranh vẽ… với các nhà thơ Viễn Phương, Giang Nam, Lê Anh Xuân, Chim Trắng, các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo, Nguyễn Vũ (tức Ngô Y Linh); các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (tức Huỳnh Minh Siêng), Hoàng Việt, Lư Nhất Vũ, Phạm Minh Tuấn; hội họa Giải Phóng với các họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu, Trang Phượng, Thanh Châu…

Ngày 1-2-1962, vào lúc 19 giờ, giờ Sài Gòn, một sự kiện lịch sử đã diễn ra giữa những cánh rừng miền Đông. “Đây là Đài Phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, từ vùng giải phóng miền Nam Việt Nam” nhanh chóng lan truyền cả nước và phát bằng 5 thứ tiếng: Việt, Khmer, Hoa, Anh, Pháp ngay từ buổi phát thanh đầu tiên. 

Rồi đoàn Văn công Giải Phóng; rồi Báo Giải Phóng, tiền thân của Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày nay; Thông Tấn xã Giải Phóng, Ban Việt kiều… 

Tôi nhớ Tiểu ban Giáo dục R, nơi đóng góp trực tiếp vào việc tạo ra nguồn nhân lực, góp phần vào việc nâng cao tiềm lực của cách mạng ở miền Nam, là một bộ phận hợp thành lịch sử giáo dục những năm kháng chiến ở miền Nam. Ở những vùng sớm được giải phóng hay nơi còn tranh chấp, chỗ nào có dân, chỗ đó có hoạt động giáo dục dưới nhiều hình thức. Đội ngũ giáo viên có mặt ở khắp nơi cùng nhau chung sức xây dựng trường lớp, giảng dạy và tham gia kháng chiến, cũng là nơi tôi bước chân vào đầu tiên khi thoát ly theo cách mạng. 

Tôi bỗng nhớ chị tôi da diết. Chị là cô giáo của Trường Nguyễn Văn Trỗi của chúng tôi. Từ buổi chiều ngày 9 tháng 5, nhà trường đã ra lệnh phải sơ tán tuyệt đối, mỗi đứa học sinh tụi tôi phải ngồi dưới một gốc cây, không được ngồi cùng nhau để tránh sát thương do bom pháo. Một lát rồi 5, 7 đứa cũng tụ lại một chỗ. Vì sợ cũng có, nhưng chính là vì buồn. Và chủ đề để chúng tôi bàn luận là ngày hòa bình rồi mình sẽ làm gì. Sẽ trở về Sài Gòn, đó là một điều chắc chắn. Và điều đó cũng đồng nghĩa với nỗi mong ước đất nước hòa bình, thống nhất. Nhưng trở về thế nào thì không ai hình dung ra. Chỉ có tôi là đã từng ở Sài Gòn, còn các bạn tôi đều chưa ai đặt chân đến Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn ra sao nhỉ? Chị hiện ra, như một cô tiên, đúng như hình ảnh một cô tiên vì chị rất đẹp, với nụ cười tươi, với đôi má lúm sâu đồng tiền, với bím tóc dài thả xuống hai bên vai… Tôi còn nhớ chị đã nghiêm giọng rầy chúng tôi sao lại ngồi cùng một chỗ, là vi phạm quy định và kết thúc bằng câu “Cô cũng vi phạm như các em”… Rồi chị cũng sà xuống, ngồi cùng chúng tôi, góp chuyện về mong ước hòa bình. 

40 năm đã trôi qua, tôi cứ giận mình là không nhớ rõ lúc ấy chị đã nói mơ ước của chị là gì khi hòa bình, nó cứ trôi tuột qua đầu mà không dừng lại… Mà tôi cũng không có dịp hỏi lại. Chị đã hy sinh vài tiếng đồng hồ sau đó, khi lao lên khỏi hầm để cứu cô học trò nhỏ. Câu cuối cùng chị nói với tôi: “Đó là nhiệm vụ của chị, chị phải lao lên khỏi hầm”. Nhớ lại những giờ phút cuối bên chị, tôi vẫn cứ rưng rưng…

Nhớ về căn cứ Trung ương Cục miền Nam - nơi gặp gỡ, tụ hội của những thế hệ cán bộ, thanh niên… từ đồng bằng lên, từ các thành phố của vùng tạm bị chiếm ra, Việt kiều Campuchia về và từ miền Bắc vào… Rồi những người từ phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn, một số thanh niên yêu nước đã thoát ly tham gia kháng chiến... Nơi gặp gỡ, hội tụ của mọi lứa tuổi thật trong sáng, phơi phới yêu đời. Chúng ta cũng có thể coi là nơi tụ hội của những dòng sông: Cửu Long, sông Hồng, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, sông Mekong…

DƯƠNG CẨM THÚY

Tin cùng chuyên mục