Ký ức về kỳ World Cup lạ nhất trong lịch sử

Một cách không chính thức, World Cup 1950 tại Brazil đáng được xem là kỳ World lạ lùng nhất trong lịch sử, vì rất nhiều lý do.

Một cách không chính thức, World Cup 1950 tại Brazil đáng được xem là kỳ World lạ lùng nhất trong lịch sử, vì rất nhiều lý do.

Chỉ đến cách đây vài năm, bóng đá Brazil mới có được một thể thức ổn định cho giải VĐQG, thi đấu vòng tròn tính điểm như kiểu châu Âu. Trước đây, dù đá kiểu gì đi nữa thì giải vô địch ở nền bóng đá nổi tiếng này cũng phải kết thúc bằng một trận chung kết, đơn giản vì người Brazil không thể hình dung một giải bóng đá không có trận chung kết.

Vậy mà lạ thay, World Cup 1950 do Brazil tổ chức lại là kỳ World Cup duy nhất trong lịch sử không có trận chung kết. Giải ấy chia thành 4 bảng, thi đấu vòng tròn, chọn 4 đội đầu bảng vào vòng trong, tiếp tục đá vòng tròn để xác định đội vô địch.

Làm thế nào để chia bảng cho 13 đội bóng ở giai đoạn 1? Bạn sẽ lập tức đề nghị chia thành 4 bảng: 3 bảng 3 đội và 1 bảng 4 đội. World Cup 1950 cũng gồm 4 bảng. Nhưng lạ thay, có 2 bảng 4 đội, 1 bảng 3 đội và 1 bảng 2 đội.

Cho đến tận bây giờ, FIFA vẫn không thể nào trả lời câu hỏi vì sao họ lại chia bảng một cách kỳ cục như thế. Xin nhắc lại: FIFA chủ động giữ nguyên cách chia bảng như vậy, dù có rất nhiều thời gian để điều chỉnh, tính toán lại. Trong khi Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Chilê hoặc Brazil, Mexico, Nam Tư, Thụy Sĩ đều phải lặc lè chiến đấu ở các bảng 4 đội thì Uruguay chỉ phải vượt qua Bolivia trong bảng có 2 đội của họ!

Vì sao chỉ có 13 đội dự VCK? Vì FIFA không cho các cầu thủ Ấn Độ thi đấu bằng… chân đất. Ấn Độ đã chơi như vậy ở kỳ Olympic 1948 ngay trước đó, mà đâu thấy ai nói năng gì! Vả lại, Ấn Độ vừa không sẵn sàng chi tiền mua giày, vừa cảm thấy không quen khi mang giày thi đấu, nên họ bỏ cuộc. Đội Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phải đá một trận ở vòng loại, thắng Syria 7-0 là đủ lấy vé dự VCK, nhưng họ đành bỏ cuộc vì tình hình chính trị phức tạp. Scotland bỏ cuộc vì một lý do cũng rất lạ lùng.

FIFA xếp 4 đội thuộc vương quốc Anh vào một bảng ở vòng loại, chọn 2 đội. Anh và Scotland đương nhiên đè bẹp Xứ Gan và Bắc Ireland để sớm có vé. Nhưng ở trận đấu cuối cùng, Scotland thua Anh 0-1 và xếp nhì bảng. Scotland tuyên bố: về nhì mà cũng dự VCK thì quá mất mặt. Họ không dự giải!

FIFA mời hết đội này đến đội khác thế chỗ ở VCK, nhưng đều không thành công. Chỉ có đội Pháp đồng ý thay chỗ của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuối cùng lại cũng rút lui. Ở Nam Mỹ, Argentina không thích tham dự World Cup tại Brazil. Thế là Uruguay, Bolivia, Chilê, Paraguay thậm chí chẳng cần thi đấu đã lọt vào VCK!

Khi Brazil ghi bàn trong trận ra quân ở VCK World Cup 1950, trọng tài cho trận đấu tạm ngưng để bình luận viên của 15 đài phát thanh cùng hàng chục phóng viên các loại kéo vào sân phỏng vấn trực tiếp! Còn khi Brazil đá trận cuối cùng với Uruguay (một cách trùng hợp, đấy là trận quyết định ngôi vô địch nên vẫn có người nhầm lẫn Brazil - Uruguay là trận chung kết World Cup 1950), có khoảng 200.000 khán giả kéo đến SVĐ Maracana. Chắc là sẽ không bao giờ có một số lượng khán giả như thế nữa, trong môn bóng đá.

Pha ghi bàn của Uruguay trong trận chung kết World Cup 1950.

Pha ghi bàn của Uruguay trong trận chung kết World Cup 1950.

Cuối cùng, Uruguay vô địch sau khi thắng Brazil 2-1 ở trận quyết định. Bây giờ, Brazil tham dự World Cup 2010 với thủ môn Julio Cesar, vô địch Champions League ở Inter Milan, được xem là một trong những ngôi sao của đội. Nhưng hồi Brazil thua Uruguay, thủ môn Barbosa bị cho là kẻ đáng ghét nhất Brazil. Ông bị thế hệ của Dunga xua đuổi khi đến thăm đội Brazil tại nơi tập huấn trước World Cup 1994. Ông bị người ta phun nước bọt ngoài đường, khi đã sắp qua đời hồi năm 2000. Ông từng nói: “Ở Brazil, kẻ giết người chỉ chịu hình phạt cao nhất là 30 năm tù. Tôi bị kết án chung thân vì 2 bàn thua không phải do lỗi của tôi”.

Dĩ nhiên, World Cup 1950 còn được nhớ đến bởi sự kiện Anh thua Mỹ - 1 trong 2 bất ngờ lớn nhất trong lịch sử World Cup (còn lại là chuyện CHDCND Triều Tiên thắng Italia tại World Cup 1966). Nhưng để chấm dứt bài này, xin được trả lời câu hỏi: vì sao chúng tôi chưa đề cập gì đến đội ĐKVĐ Italia ở kỳ World Cup 1950 kỳ lạ ấy.

Italia được giữ danh hiệu ĐKVĐ World Cup suốt 16 năm (kể từ năm 1934) là chuyện hy hữu xưa nay không ai sánh nổi. Nhưng Italia chỉ tham dự World Cup 1950 một cách chiếu lệ, rồi về nước (Thụy Điển đứng đầu trong bảng của họ). Phần lớn đội tuyển Italia đã bị thiệt mạng vì thảm họa Superga khoảng 1 năm trước đó (đội Torino với 12 tuyển thủ Italia qua đời trong một tai nạn máy bay).

Suy yếu đã đành, các tuyển thủ Italia còn bị khủng hoảng tinh thần. Trong thời kỳ mà Liên Xô tuyên bố đã có vũ khí hạt nhân, ca ghép tim nhân tạo đầu tiên đã được thực hiện, cùng rất nhiều tiến bộ “động trời” khác trên khắp thế giới, thì đội ĐKVĐ Italia lại đến Brazil tham dự World Cup 1950 bằng… tàu thủy.

Trong số 6 đội ra sân hôm nay, có đến 3 đội từng liên quan đến kỳ World Cup 1950 kỳ dị ấy: Italia, Brazil và Paraguay.

TRI KỶ

Tin cùng chuyên mục