Sau 6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu năm 2008, bức tranh kinh tế thế giới năm 2015 dường như bắt đầu xuất hiện những nét chấm phá tươi sáng đầu năm. Một trong số đó là Hội nghị Thượng đỉnh đầu tư toàn cầu 2015 (VGS) tại bang Gujarat (Ấn Độ) đang diễn ra từ ngày 11 đến 13-1.
Bên cạnh Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim, sự kiện cả Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng thống Barack Obama cùng đến Ấn Độ gần như một lượt (chỉ cách nhau 2 tuần) cho thấy tầm quan trọng của hội nghị 2 năm một lần (bắt đầu từ năm 2003), cũng như vai trò đang lên của đất nước Nam Á này. Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ tham dự diễn đàn này với vai trò là một nước đối tác.
Nửa năm sau khi lên làm Thủ tướng, ông Narendra Modi nhanh chóng thu hút được sự chú ý đặc biệt của các chính trị gia và giới đầu tư phương Tây với chính sách cải cách kinh tế táo bạo được ví von là Modinomics. Cốt lõi của chính sách kinh tế mới theo đường lối tự do là giải quyết nhu cầu cơ sở hạ tầng rộng lớn của đất nước, cải cách thị trường lao động và hợp lý hóa các chính sách thu hồi đất. Theo ông Modi, để đảm bảo một nhịp độ tăng trưởng cao và bền vững, trước hết phải phụ thuộc vào việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất từ phía cộng đồng doanh nhân cỡ lớn và vừa của cả Ấn Độ và nước ngoài, bởi vấn đề lớn nhất hạn chế tăng trưởng của Ấn Độ hiện nay là sự thâm hụt lớn về cơ sở hạ tầng - gồm nhà máy điện, đường cao tốc, đường sắt, nước sạch…
Chẳng phải Gujarat là quê nhà của Thủ tướng Modi nên được chọn để tổ chức hội nghị thu hút đầu tư tầm thế giới, mà chính vì những thành tựu đáng nể của bang này trong một thập kỷ qua. Dưới sự lãnh đạo của ông Modi khi ông làm thủ hiến bang kể từ năm 2001, cho đến khi ông trở thành thủ tướng, Gujarat là khu vực duy nhất có ngành sản xuất chiếm hơn 20% sản lượng kinh tế quốc gia và gần chạm mức của các trung tâm sản xuất lớn ở Đông Á. Theo Times of India, với những thành tích từng gây được tiếng vang lớn về tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng, một môi trường kinh doanh thân thiện và một chính quyền không tham nhũng sẽ được ông Modi “chào mời” giới đầu tư tại VGS với cam kết sẽ nhân rộng mô hình này ra toàn Ấn Độ. Thủ tướng Modi khẳng định, môi trường kinh doanh tốt sẽ thu hút đầu tư tới Ấn Độ khi cả thế giới đang coi châu Á như một trung tâm để triển khai các dự án. Với mục tiêu tăng cường cơ hội kết nối và củng cố mối quan hệ thương mại với nước ngoài, trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Modi dự kiến cũng sẽ thúc đẩy chiến dịch “Make in India” (sản xuất tại Ấn Độ) mà ông đã phát động vào tháng 9-2014 để biến Ấn Độ thành trung tâm chế tạo toàn cầu. Chiến dịch này khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài, với phương châm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trước hết phải nhằm mục tiêu phát triển đất nước Ấn Độ.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á, các chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Modi sẽ mang đến cho nước này sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2015. Tuy nhiên, thúc đẩy cải cách là chìa khóa để Ấn Độ có thể đạt được mức tăng trưởng 8%.
Hạnh Chi