Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố tháng 8-2021 chỉ ra rằng, nhiệt độ toàn cầu có thể sẽ nóng lên 1,5°C trong một hoặc 2 thập niên tới nếu chúng ta không hành động ngay lập tức.
Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Liên hiệp quốc về BĐKH lần thứ 26 (COP26) vì vậy được đánh giá là “cơ hội cuối cùng và tốt nhất” của thế giới trong cuộc chiến chống BĐKH.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với BĐKH. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời ủng hộ những tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng các cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.
Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, chia sẻ, Vương quốc Anh rất ấn tượng với cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam. Mục tiêu này cho thấy quyết tâm của Việt Nam, đóng góp cho nỗ lực chung nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5°C và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu. Vương quốc Anh mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt được kết quả thành công tại COP26, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện những cam kết này, đặc biệt là quá trình chuyển dịch năng lượng, dựa trên nguồn tài chính khí hậu quốc tế.
Khủng hoảng khí hậu đang là vấn đề toàn cầu. Để ngăn chặn những hậu quả tồi tệ có thể xảy ra trong tương lai, cộng đồng quốc tế ngày càng nhận thức rõ hơn tính cấp thiết của vấn đề BĐKH. Trên thế giới cũng đang hình thành sự thống nhất chính trị về việc cần những nỗ lực tập thể trên quy mô toàn cầu trong bối cảnh BĐKH hiện nay.
Tại Hội nghị COP26 đã có nhiều quốc gia tuyên bố đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tăng mức cam kết hỗ trợ tài chính. Hy vọng COP26 có thể mở ra trang mới trong ứng phó với BĐKH.