Liên tục trong thời gian gần đây các đại học (ĐH) của Việt Nam xuất hiện trong tốp 800 - 1.000 của các tổ chức xếp hạng thế giới và tốp 200 - 500 của châu Á. Dù thế nào chúng ta cũng tự hào vì đây là niềm mong ước của ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG HN) và Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) lần đầu tiên được có tên trong tốp 800 - 1.000 của Bảng xếp hạng ĐH thế giới năm 2019 (The QS World University Rankings 2019, gọi tắt là QS World) là một bất ngờ rất lớn. Trong 1.011 ĐH hàng đầu thế giới, ĐHQG TPHCM xếp hạng trong nhóm 701 - 750 và ĐHQG HN xếp hạng trong nhóm 801 - 1.000. Trong đó, ĐHQG TPHCM được xếp vào tốp 69% ĐH hàng đầu có tên trong QS World 2019 và thuộc nhóm 4% ĐH hàng đầu thế giới trên tổng số 23.000 ĐH.
Niềm vui được nối tiếp khi ngày Tổ chức xếp hạng Academic Ranking for Academics by Academics (viết tắt là A3 Ranking, thành lập từ tháng 6-2018) vừa công bố bảng xếp hạng GDĐH năm 2019. Theo đó, Việt Nam được xếp thứ 53 trên 150 quốc gia. Việt Nam xếp thứ hạng cao hơn 3 nước mà Việt Nam đã ký hiệp định công nhận văn bằng lẫn nhau là Ukraine (thứ 55), Belarus (thứ 85), Cuba (thứ 106) và hơn cả Philippines (thứ 69).
QS World cũng công bố kết quả xếp hạng 505 ĐH tốt nhất châu Á năm 2019 (QS Asia 2019). Theo bảng xếp hạng này, Việt Nam góp mặt 7 trường ĐH gồm: ĐHQG HN xếp thứ nhất trong các trường ĐH Việt Nam với vị trí 124 (tăng 15 bậc so với vị trí 139 năm 2018), ĐHQG TPHCM đứng thứ 2 với vị trí 144, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đứng thứ 3 với vị trí trong tốp từ 261 - 270, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đứng thứ 4 với vị trí từ 291 - 300. Các Trường ĐH Cần Thơ (tốp 351-500), ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế lần lược được xếp từ tốp 451 - 500.
Điều đáng nói là bảng xếp hạng năm nay có tới 92 trường lần đầu tiên được xuất hiện, trong đó có Trường ĐH Tôn Đức Thắng của Việt Nam. Đây là ĐH khá non trẻ (mới 21 năm thành lập) của Việt Nam nhưng kết quả nghiên cứu và công bố quốc tế, bằng sáng chế quốc tế trong giai đoạn từ năm 2015 - 2018 luôn dẫn đầu cả nước.
Nhìn vào những tiêu chí của QS World, chúng ta sẽ học hỏi được rất nhiều. QS World 2019 đánh giá và xếp hạng các ĐH theo 6 tiêu chí, bao gồm: danh tiếng học thuật (chiếm 40% tổng điểm), danh tiếng với nhà tuyển dụng (10%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ trích dẫn bài báo/giảng viên (20%), số lượng giảng viên quốc tế (5%) và số lượng sinh viên quốc tế (5%). Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá, QS World 2019 đã phân tích hơn 97 triệu trích dẫn từ 14 triệu bài báo trên hệ thống SCOPUS, tiếp nhận phản hồi từ 1,2 triệu học giả và 200.000 doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu để xác định các trường đại học xuất sắc nhất về đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Còn các tiêu chí xếp hạng của QS Asia năm 2019 gồm: đội ngũ giảng viên quốc tế, số trích dẫn bình quân trên mỗi bài báo, số lượng sinh viên trao đổi quốc tế chiều đến - chiều đi, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, đánh giá của cộng đồng về ĐH.
Như vậy, cả QS World và QS Asia đều có những tiêu chí rất quan trọng đó là năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế, danh tiếng học thuật, đánh giá của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, tính quốc tế. Chúng ta phấn khởi và khích lệ khi công bố quốc tế của GDĐH Việt Nam tăng rõ rệt trong giai đoạn 2015-2018. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho tương lai của đất nước, bởi lẽ khoa học công nghệ quyết định mọi khía cạnh phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, so sánh với các “đối thủ” trong cùng tốp trên bảng xếp hạng chúng ta cũng thấy rằng năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế (chỉ tính bài báo đăng trên Scopus) của ĐH của Việt Nam quá thấp. Tỷ lệ trung bình một giảng viên ĐH của châu Á công bố 4,5 bài/năm trong khi giảng viên Việt Nam chỉ có 0,14 bài/năm. Tính tổng cả công bố quốc tế của Việt Nam chúng ta chỉ tương đương với ĐH Chulalongkorn của Thái Lan…
Nhìn thẳng vào thực tế để chúng ta thấy đừng quá say sưa với những vị trí hiện có trên bảng xếp hạng để rồi tự hài lòng trong khi còn vô vàn khó khăn cần vượt qua để tiến xa hơn. Việc xếp hạng ĐH là cần thiết để có thể định vị các ĐH về mặt chất lượng nhưng nếu chạy theo xếp hạng bằng mọi giá mà xem nhẹ vai trò của khoa học và giáo dục thì thực sự phản khoa học. Chúng ta phải bình tĩnh và thận trọng, nếu mất cảnh giác trong lĩnh vực xếp hạng theo hướng thương mại hóa thì chúng ta có thể có một số ĐH được xếp hạng tốt, nhưng thành tựu khoa học - công nghệ và giáo dục lại không có gì.
Sự tranh cãi về các tiêu chí của các tổ chức xếp hạng uy tín của thế giới như QS World, Times Higher Education (THE của Hoa Kỳ), Academic Ranking of World Universities (ARWU của Trung Quốc)… vẫn còn rất nhiều và chưa bao giờ ngã ngũ. Song có thể nói, kết quả của GDĐH được thế giới ghi nhận và biết đến trong những năm gần đầy là thành quả từ sự đầu tư và quan tâm của Đảng và Nhà nước cho giáo dục (Việt Nam được xếp trong tốp 25% quốc gia đầu tư lớn cho giáo dục khi dành đến 20% ngân sách quốc gia cho đầu tư giáo dục).
Chắc hẳn chúng ta không ai hài lòng với vị trí hiện có và luôn kỳ vọng với những kết quả tốt hơn trong tương lai. Và nếu cả hệ thống cùng quyết tâm, làm đúng với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” thì sự kỳ vọng trong tương lai gần sẽ trở thành hiện thực.