"Uy tín, là nhà đàm phán hiệu quả, ý thức chính trị mạnh mẽ” là cụm từ dùng để mô tả Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, người vừa đắc cử chức Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Như vậy, sau hơn nửa thế kỷ thành lập (năm 1944), lần đầu tiên IMF được lãnh đạo bởi một người phụ nữ.
Năm nay 55 tuổi, bà Christine Lagarde xuất thân trong một gia đình trí thức, cha là giảng viên đại học, mẹ là giáo viên. Christine Lagarde luôn là một trong những người có thành tích học tập xuất sắc nhất. Bà đã từng thực tập tại tòa nhà Quốc hội Mỹ trước khi trở về Pháp học lấy bằng thạc sĩ ngành khoa học chính trị. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, năm 2004 bà là người phụ nữ đầu tiên trở thành Chủ tịch Ủy ban chiến lược toàn cầu của Công ty Baker & McKenzie, công ty luật đa quốc gia có số luật sư nhiều thứ hai thế giới.
Năm 2005, bà được đề cử làm Bộ trưởng Thương mại của Pháp. Sau khi giữ chức Bộ trưởng Nông nghiệp chỉ trong 1 tháng, tháng 5-2007, Christine Lagarde chính thức trở thành Bộ trưởng Tài chính có thời gian lâu nhất tại Pháp và cũng là nữ Bộ trưởng Tài chính đầu tiên trong khối G8.
Bà Lagarde rất tâm huyết với những cải cách kinh tế thông minh và táo bạo giúp vực dậy một thị trường suy thoái. Kể từ khi nắm quyền lãnh đạo, sau Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, bà Lagarde là người Pháp được thế giới nhớ mặt nhiều nhất và là khách mời thường xuyên của các hãng truyền thông lớn như BBC, CNN.
So với những người tiền nhiệm, bà Lagarde không có nhiều kinh nghiệm về kinh tế, nhưng giới phân tích tin rằng sự dày dặn chính trị sẽ bù đắp sự thiết hụt đó, đồng thời tạo ra một sự kết nối “mang tính chính trị” trong cách quản lý một tổ chức quốc tế. Không thể phủ nhận, bà Lagarde đã có lợi thế lớn nhờ vào kinh nghiệm trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ khu vực châu Âu. Ngoài ra, các chuyên gia còn trông đợi bà sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đối với các tác động xấu mà xã hội gánh chịu khi phải tuân thủ các điều kiện viện trợ của IMF.
Cũng theo giới chuyên gia, bà Lagarde có bản năng chính trị cùng khả năng đàm phán hoàn hảo, nhưng bà nên tiếp tục những gì ông Dominique Strauss-Kahn đã làm. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Strauss-Kahn đã có nhiều đóng góp giúp các thị trường mới nổi, nổi bật hơn. Thành quả này đã mang lại cho ông sự kính trọng trong nước cũng như ở nước ngoài, khiến ông trở thành ứng cử viên sáng giá nhất cho chức Tổng thống thay thế Tổng thống N.Sarkozy.
Không khác vị tiền nhiệm người Pháp, bà Lagarde quyết tâm cải tổ IMF sao cho các bước hành động của IMF phải thích đáng, bình đẳng, chủ động, hiệu quả và hợp pháp, đảm bảo tăng trưởng cao và bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô và một tương lai tốt hơn cho tất cả. Trước mắt, bà Lagarde tuyên bố tập trung giải quyết ngay vấn đề khủng hoảng nợ của Hy Lạp bằng cách kêu gọi các tổ chức đối lập chính trị ở nước này đồng ý “thỏa thuận quốc gia” với đảng cầm quyền.
Thêm vào đó, sự ủng hộ của Pháp sẽ thúc đẩy một kế hoạch cứu trợ tài chính mới giúp Hy Lạp vào cuối tuần này, khiến cho lời cam kết không để Hy Lạp thoát khỏi khu vực đồng euro trở nên đáng tin cậy. IMF nói riêng, nền kinh tế thế giới nói chung đang trông chờ người phụ nữ có duyên với những cái nhất này tạo ra những kỳ tích mới.
THANH HẢI