Kỳ vọng từ lãi suất mới

Trần lãi suất huy động đã hạ còn 13%. Theo khẳng định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, ít ngày tới, lãi suất cho vay cũng giảm đáng kể so với hiện thời. Lãi suất vay thấp chính là phao cứu sinh cho rất nhiều doanh nghiệp.

Trần lãi suất huy động đã hạ còn 13%. Theo khẳng định của Thống đốc Ngân hàng nhà nước, ít ngày tới, lãi suất cho vay cũng giảm đáng kể so với hiện thời. Lãi suất vay thấp chính là phao cứu sinh cho rất nhiều doanh nghiệp.

Chi phí vốn cao đã và đang là gánh nặng lớn bậc nhất cho sản xuất kinh doanh. Dù có trễ nhưng chắc chắn việc hạ lãi suất sẽ là tiền đề cho sự vực dậy của nhiều doanh nghiệp.

Quan sát trong nhiều tháng qua, dễ thấy rằng phần đáng kể của dòng tiền vẫn bị hãm quanh quẩn trong khu vực ngân hàng, chưa được khơi ra khu vực sản xuất. Lãi suất vay cao là liều thuốc độc có ít người dám uống. Hạ lãi suất huy động sẽ tạo đà thuận lợi cho giảm lãi suất cho vay trên toàn hệ thống. Hạ lãi suất trước mắt sẽ làm tăng tốc độ vòng quay của dòng tiền, tăng khả năng sinh lợi. Mối ưu tiên này có thể coi như thuốc tăng lực, cho mục tiêu xa hơn là phục hồi kinh tế trên diện rộng. Hiệu ứng trước mắt là lãi suất cho vay ở một số ngân hàng thương mại đã giảm 1%-2% trong vài ngày qua.

Nhưng với nguồn vốn huy động, cần giữ được tâm lý tin tưởng của người dân vào lãi suất mới. Bởi lẽ, giá xăng dầu tăng dễ góp phần vào việc tăng chỉ số giá tiêu dùng. Các chuyên gia tài chính cho rằng giá xăng dầu không ảnh hưởng lớn đến lạm phát chung. Tuy nhiên, với người dân, giá xăng dầu tác động mạnh đến việc đi lại và giá lương thực - thực phẩm. Đây cũng là hai gói tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn trong sinh hoạt hàng ngày. Một dĩa cơm bình dân tăng thêm 2.000 đồng luôn cụ thể hơn chỉ số lạm phát có phần trừu tượng.

Với một nền kinh tế lành mạnh, việc duy trì dài hạn lãi suất thực dương thật ra không hoàn toàn có lợi cho phát triển. Để người gửi tiền không bị thiệt cũng phải là việc đáng lưu tâm. Sự ổn định của giá cả sẽ góp phần quan trọng vào lòng tin của dân về hiệu quả của chính sách tiền tệ. Mặt khác, dư luận mong mỏi kỷ luật lãi suất sẽ được giữ nghiêm. Tiền lệ “đua” đẩy lãi suất lên vì lợi ích riêng, nếu tái diễn sẽ tạo ra sự mất lòng tin còn lớn hơn. Bên cạnh đó, không khỏi có những lo ngại về một phần to của dòng vốn rẻ trong ngắn hạn sẽ chảy ra ngoài khu vực sản xuất kinh doanh đang đói vốn. Nếu vốn rẻ bị thay đổi hình dạng để đổ vào chứng khoán hay bất động sản, sẽ là lợi bất cập hại. Di chứng của phong trào thổi bong bóng giá ở hai lĩnh vực này vẫn đang còn rất nặng.

Giữ được sức khỏe ổn định của tiền đồng Việt Nam, mới không có những cuộc đổ xô vào đầu cơ vàng, USD như trước. Có lòng tin sẽ giữ được tiền nhàn rỗi trong ngân hàng, duy trì dòng vốn rẻ và cải thiện thanh khoản. Sản xuất kinh doanh khỏe khoắn hơn, giá cả ổn định, không sốt giật cục. Đó là hai kỳ vọng chính của doanh nghiệp và người dân.

Vũ Thượng

Tin cùng chuyên mục