Công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến SOTB (Silicon on Thin BOX) cho thấy đây là một công nghệ mới, đầy tiềm năng, đang được phát triển và ứng dụng ở các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Pháp... Chính vì thế, công nghệ SOTB sẽ là công nghệ nòng cốt giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành một trong những nước đi đầu trong lĩnh vực thiết kế vi mạch nói chung và trong Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM nói riêng.
Hội thảo giới thiệu công nghệ SOTB nhận được sự quan tâm của thành phố và các nhà khoa học vì tính ưu việt của công nghệ này
Xu thế IoT (Internet of Things - Kết nối vạn vật) đang phát triển mạnh mẽ, ở đây các thiết bị tiêu thụ công suất thấp và các thiết bị dùng PIN là một phần không thể thiếu trong xu thế này. Những thiết bị này yêu cầu công suất tiêu thụ rất thấp, nhưng vi mạch có độ phức tạp và tích hợp ngày càng cao đã kéo theo sự gia tăng về công suất tiêu thụ. Do đó, công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến SOTB đã tạo ra cuộc cách mạng giảm công suất tiêu thụ cho vi mạch. Hội thảo “Giới thiệu công nghệ SOTB - Công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch tiên tiến”, nằm trong Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM giai đoạn 2013-2020, vừa diễn ra tại TPHCM cho thấy đây là một công nghệ được chọn lựa trong Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch thành phố.
|
Công nghệ thiết kế và chế tạo vi mạch SOTB có những thế mạnh đáng ứng dụng: Nhiều thiết bị và hệ thống IoT yêu cầu sự tiêu thụ năng lượng rất thấp và SOTB làm giảm đáng kể công suất tiêu thụ của các vi mạch so với công nghệ truyền thống; giúp đơn giản hóa quy trình chế tạo vi mạch… Ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch TPHCM (ICDREC) - thành viên Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM, cho biết: Hiện công nghệ này đang được thử nghiệm trên vi điều khiển 8 bit (của ICDREC nghiên cứu và chế tạo), qua đó cho thấy công suất tiêu thụ điện năng (PIN) đã giảm 3 lần khi thiết bị hoạt động và giảm 1.000 lần ở chế độ ngủ (sleep). SOTB là công nghệ tiên tiến giải quyết bài toán công suất thấp trong các ứng dụng IoT và phát triển công nghệ SOTB là cơ hội để công nghiệp vi mạch Việt Nam có bước nhảy vọt…
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Lê Thái Hỷ cho biết, việc đưa được công nghệ SOTB về Việt Nam cho thấy bước tiến quan trọng của ngành vi mạch TPHCM. Quan trọng hơn, công nghệ SOTB sẽ được ứng dụng trên các con chíp do Việt Nam thiết kế, là hướng phát triển mới của công nghiệp vi mạch TPHCM. Vấn đề ở đây là cần có những cơ chế mới để sản phẩm chíp của thành phố được ứng dụng rộng rãi hơn… Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang cũng đánh giá cao việc ICDREC tập trung nghiên cứu về công nghệ SOTB, kỳ vọng công nghệ này là bước đột phá trong công nghệ phát triển vi mạch ở TPHCM cũng như cả nước trong giai đoạn kế tiếp.
BÁ TÂN