Tháng 4 gửi tiết kiệm bằng VNĐ của các NHTM tăng 3,33%, trong khi tiền gửi bằng ngoại tệ chỉ tăng 0,78%. Điều này cho thấy tăng trưởng vốn huy động tiền đồng của các NHTM vẫn tốt dù lãi suất có xu hướng giảm dần. Nhưng nhiều NHTM thừa nhận nguồn vốn huy động vẫn tập trung ở các kỳ hạn ngắn. Điều này làm các NHTM khó đẩy mạnh cho vay trung-dài hạn.
Giảm tiền đồng, tăng USD
Tuần qua, một số NHTM tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn, đồng thời tăng lãi suất tiền gửi USD lên mức mới. Cụ thể, Eximbank tăng lãi suất huy động USD lên mức cao nhất 4,4%/năm. Khách hàng gửi càng nhiều được hưởng lãi suất càng cao với mức lãi suất thưởng thêm lên đến 0,2%/năm.
Ngược lại Eximbank điều chỉnh giảm lãi suất tiền đồng áp dụng từ ngày 10-5 ở các kỳ hạn tuần, cụ thể kỳ hạn 1 tuần đến 3 tuần chỉ còn 9,8-10%/năm. Một số NH cổ phần khác như SCB, DongABank cũng đã đưa lãi suất huy động USD lên mức cao nhất 4,5-5%/năm. Sở dĩ, các NHTM điểu chỉnh tăng lãi suất huy động USD do nhu cầu tín dụng ngoại tệ của các doanh nghiệp vẫn đang gia tăng, nhất là bước vào tháng 5 là mùa thu mua nguyên vật liệu sản xuất hàng xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, lãi suất tiền đồng liên NH trên thị trường tiếp tục giảm dần ở hầu hết các kỳ hạn.
Lãi suất liên NH ở các kỳ tuần chỉ còn 7-7,72%/năm. Không chỉ giảm lãi suất tiền đồng, một số NH như BIDV, MaritimeBank… công bố chấm dứt chương trình khuyến mại tặng tiền mặt, lãi suất… Tuy nhiên, theo các chuyên gia NH, việc tăng lãi suất USD khó có thể kéo dài vì nếu như vậy sẽ thu hẹp khoảng chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VNĐ và lãi suất tiền gửi USD. Trong bối cảnh giá USD trên thị trường đang giảm, việc tăng lãi suất USD có thể tạo tâm lý người dân thu mua USD để gửi tiết kiệm NH với kỳ vọng cuối năm tỷ giá tăng do nhu cầu mua USD trả nợ của các doanh nghiệp gia tăng.
Biến vốn ngắn thành dài
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, hiện nay NHNN kiểm tra rất chặt chẽ các tỷ lệ an toàn vốn của các NHTM. Theo đó buộc các NH phải đảm bảo đúng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn không quá 30%. Điều này đã khiến một số NH phải tăng huy động vốn dài hạn và hạn chế cho vay trung-dài hạn để đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
Thế nhưng, 4 tháng đầu năm nguồn vốn huy động của các NH dù có tăng trưởng nhưng thực tế vẫn chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn (3 tháng), vẫn khó huy động vốn trung-dài hạn. Vì vậy, gần đây nhiều NH đã triển khai các sản phẩm tiền gửi chỉ áp dụng với khách hàng gửi vốn dài hạn. Tuy nhiên đây chỉ là hình thức, trên thực tế khách hàng hoàn toàn có thể rút vốn trước hạn mà vẫn hưởng lãi suất như trên sổ tiết kiệm.
Theo một chuyên gia NH, đây là “chiêu” lách của các NH nhằm hợp thức hóa nguồn ngắn hạn thành dài hạn để các NHTM có thể gia tăng nguồn vốn tín dụng dài hạn mà không bị NHNN “bắt giò”.
Eximbank triển khai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm “chọn kỳ lãnh lãi”, theo đó khách hàng gửi VNĐ và USD kỳ hạn 36 tháng, lãi suất được hưởng cao hơn mức lãi suất thông thường tính theo lãi suất bậc thang. Cụ thể, khách hàng gửi 300 triệu đồng lãi suất lên đến 11,63%/năm. Điểm đặc biệt là khách hàng có thể chọn kỳ hạn lãnh lãi 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng…
Ngay khi khách hàng có nhu cầu rút vốn trước hạn vẫn không phải hoàn lại số tiền lãi của kỳ lãnh trước và còn được nhận thêm phần tiền lãi cho thời gian thực gửi không tròn kỳ lãnh lãi. Không chỉ Eximbank, nhiều NHTM như ACB, GiaDinhBank… vẫn áp dụng cho khách hàng rút vốn trước hạn với các chương trình có dự thưởng quy định thời hạn rút không quá 30 ngày hoặc không được rút trước khi kết thúc chương trình dự thưởng của NH.
Một lãnh đạo NH thừa nhận, người dân nước ta vẫn có thói quen gửi kỳ hạn ngắn, nên dù có khuyến mại cỡ nào vẫn khó hút vốn dài hạn. Vì vậy, việc NH đưa ra các chương trình cho phép khách hàng rút vốn gốc và lãi linh hoạt sẽ giúp họ huy động được vốn dài hạn để cho vay. Một số NH kiến nghị NHNN nên có quy định cụ thể việc các NH cho phép khách hàng rút vốn trước hạn, tạo điều kiện cho NH cạnh tranh lành mạnh, ổn định được nguồn vốn huy động và ít bị biến động khi mặt bằng lãi suất thị trường thay đổi.
Dịu Ngân (SGGP-ĐTTC)