Lại là mì gói!

Dù U.23 Việt Nam đại thắng U.23 Brunei 8-0, vươn lên dẫn đầu bảng B, gần như đã giành vé vào bán kết, nhưng chuyện các tuyển thủ của ta ăn uống không hợp khẩu vị, buộc phải lót dạ bằng mì tôm (mì gói) đã dấy lên dư luận hoài nghi, bàn tán về khả năng ứng phó và cách thức chuẩn bị của ban lãnh đạo đội U.23 Việt Nam nói riêng và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nói chung.

Bởi ai cũng biết, về mặt dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng trong thể thao thì mì tôm thuộc loại thấp nhất. Tôi còn nhớ hồi SEA Games 20 năm 1999 tại Brunei. Cái xứ sở dầu hỏa giàu có ấy lại thiếu hoàn toàn tiện nghi phục vụ ăn uống về đêm. Đoàn thể thao Việt Nam được báo trước đã mang rất nhiều mì gói sang, nhất là đội tuyển bóng đá. HLV Alfred Riedl là người phản đối kiểu ăn này, vì ông cho rằng trong sợi mì thiếu nhiều chất dinh dưỡng, không tốt cho VĐV, chỉ có tác dụng là làm cho… no bụng. Nói thế nhưng ông cũng chẳng cấm làm gì, cầu thủ muốn ăn cứ kín đáo mà nấu ăn trong phòng.

Chuyện cầu thủ ăn mì tôm có người lầm tưởng rằng, do nghèo túng hay tiết kiệm mà họ phải sử dụng hạ sách đó. Thực ra, trong đêm hôm, lúc bộ phận phục vụ ăn uống tại các khách sạn SEA Games đóng cửa nghỉ thì một bình nước đun sôi bằng điện, một gói mì bóc ra tô, cho thêm ít gia vị (tiêu, hành, ớt trái), có bạn còn cho vào đó vài lát chả, nem thì sẽ có ngay tô mì hảo hạng, ngon tuyệt vời.

Câu chuyện mì tôm nói chỉ để cho vui, cho mọi người thấy một thời kỳ khó khăn mà VĐV ta biết thích ứng kịp thời, quen dần dẫn đến tiện dụng. Cho đến nay, dù điều kiện tài chính cho VĐV khá hơn, nhất là giới cầu thủ bóng đá, được xem là “đại gia” giàu có trong làng thể thao, với hợp đồng chuyển nhượng bạc tỷ thì trong va ly của họ cũng không thể thiếu mì gói.

Chuyện nhắc lại để thấy rằng, các nhà lãnh đạo thể thao, lãnh đạo bóng đá của ta hoặc rất thờ ơ, hoặc đã quên một câu chuyện có thật cách đây đúng 14 năm, ở SEA Games 19 – 1997, cũng tại Indonesia.

Khi ấy, đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sau khi đoạt chức vô địch tại giải tiền SEA Games ở Malaysia, mong muốn có sự chuẩn bị chu đáo cho mục tiêu lần đầu tiên lên “ngôi Hậu”, “Bầu” Tư Ngữ (Trưởng phòng TDTT quận 1 Trần Thanh Ngữ, nay đã mất) cho thuê hẳn 2 đầu bếp nữ tháp tùng cùng đội sang Bogor (Indonesia) nơi đội thi đấu, với đầy đủ nồi niêu, xoong chảo, trực tiếp nấu ăn cho các nữ cầu thủ. Có thể nói, đây là lần đầu tiên VĐV của ta không phải mang mì gói ra nước ngoài mà vẫn có cái ăn hợp khẩu vị, đúng dinh dưỡng… Bài học 14 năm về trước của đội tuyển bóng đá nữ vẫn còn đó.

Chuyện tuy nhỏ, nhưng ý nghĩa vô cùng lớn. Đáng lý ra, với khả năng tài chính dồi dào của VFF, mà không môn thể thao nào ở Việt Nam sánh bằng - thì U.23 Việt Nam vẫn có thể mang sang Indonesia những đầu bếp chính hiệu, những thực phẩm chất lượng cao, đúng dinh dưỡng, để nấu cho học trò thầy Falko Goetz những bữa ăn hợp khẩu vị, kèm với khẩu phần ăn vốn có của ban tổ chức, của khách sạn nơi đội đóng quân. Nếu vậy thì chuyện ăn mì tôm của các vận động viên sẽ lùi vào quá khứ…

Minh Hùng

Tin cùng chuyên mục