(SGGP-ĐTTC).- Đã có nhiều ý kiến lo ngại khi áp dụng lãi suất cho vay thỏa thuận đối với tín dụng trung-dài hạn, lãi suất cho vay tăng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn giá rẻ. Tuy nhiên, gần đây một số ngân hàng (NH) đã “bắn tín hiệu” bơm vốn giá rẻ để cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần tín dụng.
Tiền đồng: kẻ tăng, người giảm
Theo thông báo của NHNN, lãi suất cho vay thỏa thuận đang được các NHTM điều chỉnh tăng, nhất là nhóm NH cổ phần. Theo đó, lãi suất cho vay trung-dài hạn đối với DN theo cơ chế mới dao động quanh mức 12-14%/năm, NH cổ phần dao động 15-17%/năm và cao nhất là 18%/năm.
Hiện thanh khoản của các NH đã ổn, nhất là các NH cổ phần lớn, nên việc cho vay đang được nhiều NH tích cực đẩy ra bằng việc kéo giảm lãi suất cho vay.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB, cho biết riêng tiền đồng NH này đang thừa trên 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ DN vay vốn; lãi suất cho vay trung-dài hạn sẽ ở mức 15-16,5%/năm và có thể kéo dài thời hạn vay từ 7 năm lên 10 năm.
Ông Hải nhận định: “Hai tháng đầu năm, dư nợ tín dụng tăng chậm so với cùng kỳ năm ngoái do yếu tố mùa vụ sau Tết nhu cầu vay chưa nhiều. Mặt bằng lãi suất thị trường hiện nay nằm vào ngưỡng các DN chấp nhận được, chỉ DN có hiệu suất sinh lời cao mới dám đi vay vốn. Tuy nhiên, cách đây 3-4 tháng khi thị trường thiếu thanh khoản, chi phí của DN cao hơn nhiều so với hiện nay. Vì thế, lãi suất cho vay hiện nay tương đối hợp lý so với mặt bằng lãi suất huy động chung”.
Với lợi thế huy động vốn giá rẻ, các NHTM nhà nước đang bắt đầu cạnh tranh giảm lãi suất cho vay. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh 3, cho biết hiện mức sàn cho vay thỏa thuận ở đây áp dụng cho mọi loại hình DN là 14,5%/năm, độ biến động không quá lớn so với trước đây.
Lãnh đạo phòng giao dịch VCB tại TPHCM cho biết nguồn vốn cho vay cũng đã bắt đầu “dư thừa” nên NH đang tích cực tìm kiếm khách hàng tín dụng mới để tiêu vốn. Lãi suất cho vay nằm ở mức 14,09%/năm đối với DN lớn có quan hệ lâu năm, mang lại nhiều doanh thu dịch vụ cho NH. Riêng với DN nhỏ, có tài sản thế chấp ít, sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn, khoảng 15%/năm.
Tín hiệu thực tế cho thấy lãi suất cho vay ở một số NH nhỏ cao hơn so với trước đây nhưng trong ngắn hạn sẽ phải điều chỉnh giảm khi áp lực cạnh tranh về tín dụng tăng, bởi năm nay hầu hết NH đều đặt trọng tâm tín dụng là nguồn thu chủ yếu. Vì vậy, nhiều NH đã bắt đầu đưa ra các chương trình khuyến mại khách hàng vay vốn với chính sách ưu đãi.
Tuy nhiên, nhiều NHTM đang e ngại bơm vốn vào lĩnh vực bất động sản, chỉ tập trung vốn vào khu vực sản xuất kinh doanh của các DN, tập đoàn lớn. Điều này đang tạo ra sự cạnh tranh, giành giật khách hàng DN lớn giữa các NHTM cổ phần với NHTM nhà nước.
Ngoại tệ: lãi suất giảm mạnh
Lãi suất huy động USD tuần qua không biến động nhiều và lãi suất cho vay ngoại tệ đang có xu hướng hạ nhiệt mạnh ở các NHTM nhà nước lẫn cổ phần. Vài tháng trước, lãi suất huy động USD của các NHTM lớn dao động 2,5-3,5%/năm, NHTM nhỏ 4-4,5%/năm và lãi suất cho vay từ 6,5-7%/năm.
Nhưng gần đây, nhiều NHTM đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay USD xuống khá thấp, chỉ 4-4,5%/năm với DN lớn, 5-5,5%/năm với DN nhỏ, gần bằng lãi suất huy động của các NHTM cổ phần bậc trung và nhỏ hiện nay.
Lý giải điều này, một số chuyên gia tài chính phân tích: Việc quy định lãi suất ngoại tệ của các tổ chức kinh tế chỉ còn 1%/năm đã giúp các NHTM giảm lãi suất cho vay USD, nhất là các NHTM nhà nước có các khách hàng DN có lượng tiền gửi ngoại tệ lớn.
Ngoài ra, quyết định giảm mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ từ 7% xuống còn 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng đã tăng nguồn vốn cho vay USD, giúp các NHTM giảm chi phí huy động vốn khoảng 0,1%.
Việc giảm mạnh lãi suất cho vay USD ở các NH lớn cũng đang gây áp lực đối với các NHTM nhỏ, vì nguồn vốn huy động đầu vào khá cao. Nhiều chuyên gia dự đoán lãi suất huy động USD trong thời gian tới khó tăng cao, vì nhìn tổng thể dù nhu cầu vay USD của DN tăng nhưng vẫn không lớn, bởi những tháng đầu năm nguồn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu lớn trong khi nhu cầu vay ngoại tệ nhập nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng chưa mạnh.
Vì thế việc các NH giảm mạnh lãi suất cho vay USD cũng nhằm khuyến khích khách hàng tiêu vốn ngoại tệ. Lãi suất cho vay tiền đồng cao hơn lãi suất cho vay USD 10-11%/năm. Tuy nhiên, về góc độ kinh doanh cũng có thể rủi ro cho DN và cả NH, chênh lệch lãi suất khó có thể bù đắp nếu tỷ giá biến động.
“Ở Hoa Kỳ, họ huy động USD lãi suất chỉ 0%/năm nhưng cho vay dân cư mua nhà lãi suất đến 7%/năm. Với mặt bằng lãi suất huy động USD ở nước ta hiện nay 4%/năm, cho vay ra cũng phải từ 7%/năm mới an toàn” - ông Lý Xuân Hải nhận định.
Dịu Ngân