Lãi suất ngân hàng năm 2007 có tăng?

Trong tháng đầu tiên của năm 2007, mặc dù đã có chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam là năm nay “giữ lãi suất không cao hơn năm 2006”, và thực tế là hệ thống ngân hàng đang dư thừa vốn khả dụng, nhưng vẫn có nhiều ngân hàng cổ phần điều chỉnh lãi suất huy động, tạo nên một áp lực cạnh tranh mới về lãi suất. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: diễn biến lãi suất năm nay sẽ thế nào?

Cuối tháng 1-2007, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đã gây “sốc” khi công bố chương trình huy động VNĐ với lãi suất lên tới 10,68%/năm. Đây là mức lãi suất cao nhất trên thị trường hiện nay. Trước đó, mở hàng cho việc tăng lãi suất năm nay là Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với chương trình “Tiết kiệm điện tử” áp dụng từ ngày 1-1-2007. Lãi suất tiền VNĐ của chương trình này tăng mạnh nhất ở kỳ hạn 12 tháng với mức tăng từ 0,12%/năm đến 0,17%/năm, lên 9,42%năm, 9,45%/năm và 9,48%/năm, tương ứng với các mức tiền gửi dưới 50 triệu đồng, 50-200 triệu đồng và từ 200 triệu đồng trở lên.

Giữa tháng 1-2007, đến lượt Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) điều chỉnh lãi suất huy động tiết kiệm USD với biên độ tăng 0,1%-0,25%/năm cho các kỳ hạn 1, 2, 3 và 6 tháng. Ngân hàng Toàn cầu (G-Bank) cũng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ trên địa bàn Hà Nội với mức tăng bình quân từ 0,04 - 0,3 %/năm.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc lãi suất huy động tăng trở lại trong dịp đầu năm sau một thời gian lắng dịu, thực ra chỉ mang tính thời vụ. Thời gian qua, hàng loạt ngân hàng cổ phần đô thị được nâng cấp từ ngân hàng cổ phần nông thôn, quy mô vốn và thương hiệu chưa thực sự mạnh. Vì thế, đưa ra mức lãi suất hấp dẫn là một công cụ hiệu quả để hút vốn về phía mình. Mặt khác, thị trường tiêu dùng bước vào mùa mua sắm chuẩn bị Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao.

Vì thế, một số ngân hàng quyết định tăng lãi suất để có tiền đáp ứng. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) dự báo, lãi suất trong năm 2007 sẽ vẫn ổn định. Cơ sở quan trọng để đưa ra dự đoán này là nguồn vốn nước ngoài vào Việt Nam (cả trực tiếp và gián tiếp) đang tăng mạnh, giúp nguồn cung vốn tốt, không tạo ra sức ép tăng lãi suất huy động.

Khả năng tăng lãi suất USD trên thị trường quốc tế cũng được dự báo là sẽ hạn chế hơn. Đồng thời, những hình thức cạnh tranh không lành mạnh như trước sẽ thay thế bằng các hình thức liên kết tốt hơn giữa các ngân hàng khi hội nhập. Đặc biệt, thị trường tín dụng có xu hướng không tăng trưởng nóng như các năm trước. “Với những yếu tố như vậy, có thể thấy, sức ép tăng lãi suất là không có” - bà Nguyễn Thị Kim Thanh nói.

Tuy vậy, nghịch lý về lãi suất trong năm 2006 vẫn là bài học đáng lưu tâm. Đó là có một số ngân hàng không có cái nhìn đầy đủ về lãi suất, sợ bị tụt hậu nên cố huy động vốn vào khiến lãi suất có nhích lên, dù về tổng thể thị trường là dư thừa vốn khả dụng. Trên thực tế, theo Ngân hàng Nhà nước, thị trường tiền tệ, tín dụng trong tháng 1-2007 vừa qua khác với mọi năm, mặc dù là dịp Tết Nguyên đán nhưng lượng vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng vẫn dư thừa khá lớn. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục chào bán giấy tờ có giá trên thị trường mở để “hút” tiền từ lưu thông (khoảng 4.500 tỷ đồng).

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh từng thừa nhận: chính sự phân tách và độc quyền đã dẫn đến nghịch lý giữa lãi suất và cung cầu vốn. Một số ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ, nguồn vốn huy động không đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn, nhưng lại không thể tiếp cận được nguồn vốn của các “đại gia” nên buộc phải tăng lãi suất để huy động vốn. Trong khi đó các ngân hàng lớn, nhất là các ngân hàng thương mại Nhà nước, nguồn vốn huy động nhiều hơn nhu cầu cho vay nhưng lại không dám hạ lãi suất để giảm nguồn vốn vào, vì sợ mất khách hàng. Điều đó cho thấy, sự phát triển của thị trường liên ngân hàng còn rất hạn chế. Đây rõ ràng là vấn đề cần giải quyết để có thể đạt được mục tiêu ổn định thị trường tiền tệ như Ngân hàng Nhà nước đã đề ra.

MINH GIANG

Tin cùng chuyên mục