Lãi suất thấp, vẫn không “với” được vốn vay?

Dư luận lâu nay đặt vấn đề, vì sao doanh nghiệp (DN) ngoắc ngoải chờ chết trong khi các ngân hàng (NH) lại đạt lợi nhuận cao. Đến nay, với các giải pháp hỗ trợ thị trường tập trung cứu DN, lãi suất giảm với kỳ vọng DN sẽ đủ vốn sản xuất. Nhưng thực tế DN có chạm được vốn vay lãi suất thấp không, đang là vấn đề được đặt ra...
Lãi suất thấp, vẫn không “với” được vốn vay?

Dư luận lâu nay đặt vấn đề, vì sao doanh nghiệp (DN) ngoắc ngoải chờ chết trong khi các ngân hàng (NH) lại đạt lợi nhuận cao. Đến nay, với các giải pháp hỗ trợ thị trường tập trung cứu DN, lãi suất giảm với kỳ vọng DN sẽ đủ vốn sản xuất. Nhưng thực tế DN có chạm được vốn vay lãi suất thấp không, đang là vấn đề được đặt ra...

Ngân hàng muốn an toàn...

Với tình trạng có nhiều DN “chết” là do dính bất động sản, thì NH chính là nạn nhân của việc cho vay các dự án này. Do vậy, nguồn vốn rủi ro cao đang bị dồn vào bất động sản. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TPHCM cho biết, dù tình hình huy động vốn trên địa bàn TP khá ổn định, 6 tháng đầu năm ước đạt 940.000 tỷ đồng, tăng 11,89% so với cùng kỳ.

Lãi suất cơ bản cũng đã được NHNN điều chỉnh giảm, thế nhưng vì sao DN và người dân vẫn không tiếp cận được vốn vay, là câu hỏi được nhiều người đặt ra. Các chuyên gia lý giải là do tỷ lệ nợ quá hạn ở các NH đang chiếm quá cao, nên NH chọn giải pháp an toàn khi cho vay, tức là không dám cho DN sản xuất vay khi không có phương án kinh doanh rõ ràng.

Đại diện doanh nghiệp làm hồ sơ khai thuế, báo cáo thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Đại diện doanh nghiệp làm hồ sơ khai thuế, báo cáo thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Trong khi, ở Việt Nam có đến 90% số DN là DN vừa và nhỏ, mà đối tượng này lại không có báo cáo tài chính hoàn chỉnh, không lập được phương án kinh doanh rõ ràng nên không tiếp cận được đồng vốn vay.

Về phía NH, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng thừa nhận, nguyên nhân các NH thận trọng trong xét duyệt cho vay đối với các dự án ít khả thi là do nhiều NH có tỷ lệ nợ xấu cao. Cụ thể, tình hình nợ quá hạn, nợ xấu hiện nay khá cao, tập trung ở các NH thương mại cổ phần Nhà nước với tỷ lệ nợ quá hạn trên 10%, các tổ chức tài chính lên đến gần 50%. Vì vậy, các tổ chức tín dụng đang muốn tạo sự an toàn cho mình, bằng cách chỉ tập trung vào các DN lớn, các DN hoạt động sản xuất kinh doanh tốt và làm lơ các DN nhỏ và vừa. Một số cán bộ NH thì cho rằng, sở dĩ có ít DN được vay vốn là do các DN còn hàng tồn kho chưa bán được, tài sản thế chấp chủ yếu là bất động sản bị giảm giá, thời gian thẩm định tài sản thế chấp kéo dài… Thế nhưng, dù lý giải thế nào thì việc giải quyết vốn cho đối tượng DN nhỏ và vừa đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Doanh nghiệp cần bảo lãnh

Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Chính phủ, các ngành, các cấp đã triển khai nhiều chương trình kích cầu, hỗ trợ, ưu đãi cho DN về vốn, lãi vay... Thế nhưng, đến nay, theo báo cáo của NHNN Chi nhánh TPHCM, sau khi NHNN ban hành Thông tư 14/2012/TT-NHNN quy định về lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng Việt Nam thì 4 nhóm đối tượng theo quy định (cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn, cho vay DN xuất khẩu, cho vay sản xuất kinh doanh DN nhỏ và vừa, cho vay phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ) được vay với lãi suất 14%/năm.

Tuy nhiên, số lượng DN được vay vốn với lãi suất 14%/năm còn rất ít so với số lượng DN trên địa bàn TPHCM. Chỉ có hơn 60 DN được vay 679 tỷ đồng phát triển nông nghiệp, nông thôn, (bằng 3,58% so với dư nợ cuối năm trong lĩnh vực này); 459 DN vừa và nhỏ được vay 4.279 tỷ đồng (bằng 3,59% so với dư nợ cuối năm 2011 trong cùng lĩnh vực); 37 DN được vay 181 tỷ đồng để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (bằng 1,59% so với dư nợ cuối năm 2011).

Theo các chuyên gia, có lẽ giải pháp thiết thực nhất hỗ trợ DN nhỏ và vừa trong thời điểm hiện nay là cần một cơ quan nhà nước hỗ trợ DN lập dự án kinh doanh khả thi, xem xét đứng ra bảo lãnh cho DN có hợp đồng đặt hàng. Bởi như hiện nay, hầu hết DN nhỏ và vừa không vay được vốn là do thiếu tài sản thế chấp, dự án kinh doanh không khả thi…

Bên cạnh đó, những giải pháp giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 đối với DN nhỏ và vừa và DN sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông - lâm - thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội... hy vọng sẽ giúp DN vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

CHẾ HÂN

TPHCM: Giãn 1.500 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng

(SGGP).- Triển khai thực hiện miễn, giảm, gia hạn nộp thuế 6 tháng đầu năm 2012 theo Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, Cục Thuế TPHCM đã giãn thuế giá trị gia tăng cho 56.100 DN với số tiền gần 1.500 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp 6 tháng là 180 tỷ đồng; ước tính sẽ giảm 30% thuế thu nhập DN quý 1-2012 cho 55.805 DN với số tiền 290 tỷ đồng.

H.NI

Tin cùng chuyên mục