Lãi suất tiếp tục giảm mạnh?

Nỗi lo ngân hàng thừa tiền
Lãi suất tiếp tục giảm mạnh?

Rất nhiều ngân hàng tham gia đấu thầu trái phiếu Chính phủ trong tháng 5, và các ngân hàng chấp nhận mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với lãi suất thấp. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm mạnh trong thời gian qua và hiện chỉ còn ở mức 3%/năm, điều này cho thấy, vốn khả dụng của các ngân hàng đang dư thừa rất lớn.

Người dân gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Cao Thăng

Người dân gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Đông Á. Ảnh: Cao Thăng

Nỗi lo ngân hàng thừa tiền

Theo thông tin từ NHNN, trong 3 tuần đầu của tháng 5, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối dư thừa, lãi suất liên ngân hàng chỉ ở mức 2,5% - 3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Đặc biệt, trên thị trường liên ngân hàng ngày 23-5, lãi suất qua đêm chỉ còn 1,7%-2%, 1 tuần ở mức 2%. Giảm lãi suất bắt nguồn từ việc các ngân hàng khó khăn khi giải ngân do tổng cầu giảm, nhiều DN phá sản, các DN còn lại có hàng tồn kho cao, ít có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh...

Thanh khoản của ngân hàng dư thừa không chỉ mới đây mà nhiều tháng qua, không ít các ngân hàng đã thừa nhận tình trạng ngân hàng thừa tiền nhưng không dám cho vay nhằm hạn chế rủi ro. Trong bối cảnh tiêu dùng đóng băng nên các ngân hàng ngại cho vay vì nguy cơ mất cả gốc lẫn lãi là rất lớn.

Để đảm bảo an toàn và không có nợ quá hạn, các NHTM đã mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu NHNN và giao dịch liên ngân hàng vì vốn tồn đọng quá nhiều mặc dù lãi suất của trái phiếu, tín phiếu thấp hơn lãi suất huy động; lãi suất liên ngân hàng cũng giảm mạnh. Chính vì thế, trong tháng 4-2012, NHNN đã hút về một lượng vốn hơn 51.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành tín phiếu ở các kỳ hạn từ 28, 91 và 182 ngày với lãi suất từ hơn 5% đến 12,5%/năm. Tính từ đầu năm 2012 đến nay, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 49.224 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua hình thức đấu thầu.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 và hiện nay, lãi suất một số kỳ hạn thậm chí giảm xuống còn dưới 3%/năm, cho thấy nguồn vốn cũng như khả năng thanh khoản của các ngân hàng được cải thiện đáng kể trong thời điểm hiện nay. Thêm vào đó, các NHTM cho biết, để đón đầu việc lãi suất tiền gửi sẽ giảm, thời gian gần đây, người gửi tiền có xu hướng chuyển từ kỳ hạn tiền gửi từ 1 tháng thành 3 và 6 tháng. Vốn huy động dài hạn trong các ngân hàng tăng trong khi các ngân hàng rất thận trọng cho vay tại thời điểm hiện nay khiến nhiều ngân hàng càng ứ đọng tiền.

Ngân hàng dư tiền nhưng tiền không thể đến được nơi cần vốn và quay trở lại ngân hàng trong khi đó DN không thể hấp thụ vốn vì hàng tồn kho còn ứ đọng quá nhiều.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hàng loạt giải pháp của NHNN trong thời gian qua chỉ mới ổn định thanh khoản và tạo ra nguồn tiền dư thừa trong hệ thống chứ vẫn không phát huy hiệu quả cần thiết là đưa được vốn vào nền kinh tế.

Lãi suất cho vay sẽ còn 13%/năm

Thông tin từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tính lũy kế từ đầu năm đến ngày 16-4, tín dụng vẫn đang tăng trưởng âm 1,71%, trong khi hiện tượng dư thừa vốn ngân hàng là rất rõ ràng. Nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn là do hiện tượng đình đốn sản xuất khiến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lẽ ra trần lãi suất cho vay 15%/năm phải được áp dụng sớm hơn. Việc áp dụng các biện pháp hành chính là cần thiết trong bối cảnh thị trường còn khó khăn song phải linh hoạt hơn. Đáng ra, khi áp trần lãi suất huy động thì NHNN nên áp trần cho cả lãi suất cho vay. Thời gian qua, lãi suất cho vay được thực hiện theo cơ chế thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng nên lãi suất cho vay khó có thể giảm nhanh như mong đợi.

Theo TS Trần Du Lịch, hiện nay, bên cạnh nỗ lực đưa ra các giải pháp giảm dần lãi suất cho vay của NHNN, Chính phủ còn có thêm nhiều giải pháp khác để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn như gói giải pháp hỗ trợ DN về chính sách thuế trị giá 29.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để có thể kích thích được tăng trưởng dư nợ, khơi thông được dòng vốn tín dụng, bên cạnh việc giảm lãi suất, hệ thống ngân hàng phải giải quyết được vấn đề nợ xấu.

“Khi nợ xấu được giải quyết thì tăng trưởng tín dụng mới có thể cải thiện được, nếu không thì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm nay sẽ khó đạt” - TS Trần Du Lịch nhận định.

Nền kinh tế khó hấp thụ vốn khi lãi suất còn cao, nên việc hạ trần lãi suất là cần thiết, nhất là khi điều kiện lạm phát đang thuận lợi, có thể chỉ còn 1 con số trong năm nay. Nhưng với diễn biến của thị trường hiện nay, khi trần lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức 12%/năm thì các DN cũng phải chấp nhận lãi suất cho vay còn ở mức tương đối cao.

Tuy nhiên, theo TS Trần Du Lịch, chắc chắn lãi suất sẽ giảm dần trong thời gian tới, bởi tỷ lệ lạm phát trong năm 2012 sẽ được kiểm soát ở mức 9% vào cuối năm nhưng lãi suất chỉ có thể giảm dần và có lộ trình chứ không thể giảm một cách ồ ạt.

“Nếu bình quân lãi suất huy động 10% là thực dương thì cuối năm 2012, lãi suất huy động sẽ kéo giảm dần về 10%/năm, lãi suất cho vay sẽ khoảng 13%/năm” - TS Trần Du Lịch dự báo.

Chiều 24-5, Ngân hàng HSBC cũng đưa ra dự tính cho rằng, lạm phát của Việt Nam đã giảm mạnh hơn so với dự kiến nên sẽ đẩy sớm hơn quá trình hạ lãi suất. Theo HSBC, với diễn biến của lạm phát từ đầu năm 2012, NHNN đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 2% trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Do giá xăng dầu tiếp tục giảm, nhu cầu vẫn còn “uể oải” và với tình hình lạm phát giảm nhiều so với dự kiến, NHNN sẽ có thể cắt giảm lãi suất trong 2 tuần tới.

Nhung Nguyễn

Tin cùng chuyên mục