Lai tạo muỗi ngăn bệnh sốt xuất huyết

Nhằm ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết, giới khoa học Indonesia sử dụng phương pháp Wolbachia trong việc lai tạo giống muỗi ngăn bệnh bùng phát trong cộng đồng. 
 Lai tạo giống muỗi mới theo phương pháp Wolbachia ngăn bệnh sốt xuất huyết
Lai tạo giống muỗi mới theo phương pháp Wolbachia ngăn bệnh sốt xuất huyết

Theo Chương trình Muỗi thế giới (WMP), Wolbachia là loại vi khuẩn phổ biến xuất hiện tự nhiên ở 60% các loài côn trùng, bao gồm một số loài muỗi, ruồi giấm,  chuồn chuồn và bướm. Ứng dụng phương pháp Wolbachia, giới khoa học đã nhân giống những con muỗi mang vi khuẩn Wolbachia với muỗi Aedes aegypti gây sốt xuất huyết để sinh ra giống muỗi mới không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Phương pháp Wolbachia cũng có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa sự lây truyền của virus Zika, sốt chikungunya, sốt vàng da.

Từ năm 2017, một nghiên cứu chung do WMP thực hiện tại Đại học Monash của Australia và Đại học Gadjah Mada của Indonesia đã thả muỗi mới được lai tạo trong phòng thí nghiệm ra một số “vùng đỏ” của bệnh sốt xuất huyết ở thành phố Yogyakarta.

Kết quả thử nghiệm công bố mới đây cho thấy, việc triển khai muỗi mang vi khuẩn Wolbachia đã giảm 77% số ca sốt xuất huyết và 86% số ca nhập viện do căn bệnh này. Sau hơn 3 năm thả muỗi, số lượng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vẫn ở mức rất cao trong quần thể muỗi địa phương. WMP cho rằng kết quả này cũng cho thấy vi khuẩn Wolbachia có thể là một giải pháp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết mới, an toàn, bền vững và hiệu quả mà thế giới đang cần tới.

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh có tốc độ lây lan nhanh nhất trên thế giới. Hàng năm, có hơn 50 triệu ca bệnh xảy ra trên toàn cầu, tập trung nhiều nhất ở khu vực châu Á và châu Phi.

Tin cùng chuyên mục