Rào cản ngôn ngữ không ngăn được Graechen Guillaume, tuyển trạch viên người Pháp lăn lộn khắp các vùng miền, làng quê Việt Nam để phát hiện và ươm mầm những tài năng bóng đá cho tương lai. Phố núi Pleiku nhỏ hẹp nhộn nhịp hơn kể từ ngày học viện HAGL-Arsenal JMG ra đời và Guillaume tới. Ông thầy trẻ (31 tuổi) ấp ủ giấc mơ dùm bóng đá Việt Nam: "Một ngày nào đó, Premiership, La Liga hay Ligue 1 sẽ có tên những cầu thủ Việt Nam chính hiệu"…
TÔI THUỘC VỀ CÔNG VIỆC!
· Trông anh quá bận rộn. Vừa dứt đợt tuyển quân, lại thấy anh xắn tay lao vào trực tiếp huấn luyện các cầu thủ trẻ của học viện, có căng thẳng quá không?

- Cũng căng lắm chứ, bởi tôi phải luôn nghĩ làm sao lo cho chu toàn chương trình đã đặt ra. Dứt khoát không để một chút sơ sẩy nào xảy ra. Tôi sinh ra để làm việc, để gắn bó với bóng đá. Nên nếu phải ngồi không, tôi chắc sẽ điên mất (cười). Trước mắt còn cả núi việc phải làm. Mà quan trọng nhất là trong vài tháng nữa, tôi buộc phải học và giao tiếp được bằng tiếng Việt. Có như vậy, nói học trò mới hiểu. Nếu truyền đạt sai những thuật ngữ bóng đá, cầu thủ sẽ hiểu sai, và dẫn tới phá sản giáo trình của tôi. Chúng tôi đang dạy ngoại ngữ cho cầu thủ, cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, để họ có thể bày tỏ chính kiến của mình, cũng như hiểu rành mạch những điều HLV muốn nói.
· Lịch làm việc một ngày của anh chắc dầy lắm?
- Không nhất thiết phải dầy, mà quan trọng là chất lượng của ngày làm việc đó ra sao mà thôi. Tôi dậy lúc 6g30, ăn sáng xong và chờ các cầu thủ học ngoại ngữ xong liền chuẩn bị cho buổi lên lớp vào lúc 10g. Buổi trưa, có khi tôi về khách sạn hoặc ở lại học viện cùng các cầu thủ. Buổi tập chiều của các em bắt đầu lúc 16g. Tới khoảng 19g, tôi trở về khách sạn, tắm rửa, ăn uống rồi tiếp tục chuẩn bị giáo án cho ngày mai cho tới 22-23g mới ngủ. Con đường thân thuộc của tôi gần 1 tháng qua ở Gia Lai chính là từ khách sạn tới học viện và ngược lại.
· Vậy thời gian nghỉ ngơi vào lúc nào?
- Chủ nhật là ngày rảnh rỗi, tôi có thể… ngủ thoải mái hơn. Thậm chí tôi dành cả ngày chỉ để ngủ thôi. Đó là cách thư giãn và giải trí tốt nhất, giúp tôi hồi lại sức sau cả tuần làm việc mệt mỏi. Những lúc căng thẳng, tôi thường gọi điện về cho mẹ và bạn bè ở Pháp để nhận được những lời góp ý và động viên từ họ. Tính ra, một năm tôi cũng được nghỉ tới 45 ngày (tháng Giêng và sau 6 tháng đầu năm).
LÀM BÓNG ĐÁ TRẺ PHẢI CHỊU THIỆT THÒI
· Trước khi đến Việt Nam, anh biết gì về bóng đá nơi đây?
Các nhà báo làm ơn đừng đưa lũ trẻ lên mây, đừng vội vàng kết luận chúng là những tài năng duy nhất của bóng đá Việt Nam, bởi điều đó rất nguy hại về lâu dài. Ở tuổi này, tư tưởng của trẻ rất nông nổi. Chúng sẽ chẳng chịu tập luyện, hoặc tập luyện hời hợt vì tưởng rằng "mình đang là ngôi sao", là tâm điểm của cả thế giới. Vậy thì nguy mất! |
- Có, nhưng không nhiều lắm. Bước đầu, tôi phải lao vào tìm hiểu môi trường bóng đá nơi đây. Tôi biết bóng đá Việt Nam sản sinh ra nhiều tài năng trẻ, nhưng nghe đâu một số vừa dính vào vòng lao lý thì phải. Thật đáng tiếc! Những chuyến thực tế ở các vùng Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc đã cho tôi thấy tiềm năng phát triển bóng đá trẻ của các bạn rất lớn. Tôi cũng có dịp chứng kiến những cầu thủ nhí chơi bóng khéo léo và thông minh ở các giải bóng đá nhi đồng vừa rồi. Vấn đề là khai thác và sử dụng tiềm năng ấy ra sao, để bắt kịp tiến trình phát triển của châu Á, rồi vươn ra thế giới.
· Theo anh, bóng đá trẻ Việt Nam cần làm những gì để bắt kịp tiến trình ấy?
- Thể hình của các cầu thủ Việt Nam quá nhỏ bé, yếu thể lực, sức bền chưa tốt và đặc biệt họ không được đào tạo một cách bài bản, nên đương nhiên thua thiệt so với các nền bóng đá khác. Chẳng hạn, vài tháng tuyển chọn vừa rồi chỉ mang về cho chúng tôi 3 em Vũ, Phương và Triều có chiều cao tương đối tốt (trên 1m60) so với độ tuổi. Bù lại, các cậu bé Việt Nam có kỹ thuật rất khéo, có óc sáng tạo và nắm bắt rất nhanh những kỹ năng tôi thị phạm. Các bạn nên định hướng hẳn một lộ trình đào tạo lâu dài cho từng lứa tuổi nhỏ thì may ra có thể nghĩ xa hơn. Đừng để những lứa cầu thủ nhi đồng chưa kịp sáng đã lụi tàn, vì không ai chịu chăm chút nó. Tôi được biết, các CLB bóng đá Việt Nam có các tuyến đào tạo riêng biệt, không phụ thuộc vào Nhà nước, nhưng hình như cách làm chưa được tập trung lắm. CSVC, chất lượng HLV, nguồn kinh phí, y tế, văn hóa… phải đầy đủ trong một mô hình chuẩn. Đương nhiên, bạn phải chịu thiệt thòi trong một thời gian dài, cả về tiền bạc lẫn con người. Bạn chịu bỏ 1 đồng lúc này thì sẽ nhận được 7-8, thậm chí là 10 đồng ở tương lai.
· Và cần thêm điều gì?
Tôi mới chỉ gặp HLV Arsene Wenger 2 lần kể từ lúc được nhận vào làm việc cho Học viện toàn cầu của Arsenal. Vậy còn may, nhiều HLV thậm chí còn chưa từng gặp ông ấy ngoài đời. Có một nguyên tắc rất rõ ràng: nếu không đúng phận sự, cho dù có là đồng hương đi chăng nữa cũng khó mà gặp được ông ấy. Gặp chủ tịch CLB có khi còn dễ hơn gặp Wenger ấy chứ. Tôi thích cách làm việc khoa học của Wenger, và tôi luôn coi ông ấy là "sách giáo khoa" của mình. |
- Ở Pháp, chúng tôi đào tạo cầu thủ từ lúc 5 tuổi. Tất nhiên, đó chỉ là theo dõi sự phát triển về thể chất và các tố chất liên quan đến quá trình hình thành một cầu thủ sau này. Tới năm 7 tuổi, chúng tôi mới tuyển chọn chính thức, mỗi lứa tuổi có ít nhất 2-3 đội. Từ đó, họ sẽ được ăn, ở tập trung. Trường học và các lò đào tạo luôn tương hỗ cho nhau mới giúp cầu thủ cân bằng được việc học đá bóng và tiếp nhận kiến thức xã hội. Hệ thống đào tạo sẽ nối tiếp từ 7 tới 9, 11, 13, 15, 17, 18 tuổi và sau đó là các lứa U19, U20, U21, Olympic và ĐTQG. Mỗi tuần một lần, chúng tôi tổ chức buổi kiểm tra, giúp các cầu thủ luôn ý thức được rằng để tồn tại trong thế giới bóng đá đầy khắc nghiệt, họ buộc phải lao vào những cuộc cạnh tranh không khoan nhượng. Những cá nhân yếu kém sẽ tự đào thải khỏi cuộc chơi. Tôi hy vọng, học viện HAGL-Arsenal JMG sẽ giúp được phần nào cho bóng đá trẻ Việt Nam trong tương lai, dù độ tuổi của các các cầu thủ hiện nay là tương đối cao (10-13 tuổi).
HÃY DẠY CHO TRẺ CHƠI THỨ BÓNG ĐÁ ĐẸP
· Nhiều người bảo trông anh giống một ông bố trẻ hơn là một ông thầy. Anh nghĩ sao?
- Tôi thích được bọn trẻ gọi là "bố" dù chưa từng làm bố (cười). Khi dạy các em đá bóng, tôi có cảm giác rất gần gũi, dù kinh nghiệm… trông trẻ không nhiều. Tôi luôn tìm cách cải thiện mối quan hệ để trẻ luôn cảm nhận tôi không phải là một ông thầy khó tính, chỉ thích la mắng. Chơi với trẻ con không dễ chút nào. Phải biết khi nào chúng mệt mỏi, biếng ăn, lười suy nghĩ để kịp thời động viên và uốn nắn mọi chuyện cho đúng. Đừng quá khắt khe với chúng ở tuổi này. Hãy tâm niệm, khi ra sân tập, bạn đang chơi bóng với những thành viên trong gia đình mình. Bằng mọi giá phải giữ cho sợi dây liên hệ thân thiện ấy kết dính với trẻ. Như vậy, công việc của bạn sẽ thành công một nửa.
· Anh kỳ vọng gì vào lứa cầu thủ này?
Tôi muốn các em chơi bóng đá chân đất ít nhất là 2 năm. Vì sao ư? Rất đơn giản, điều đó sẽ giúp các em giữ được cảm giác thật với trái bóng. Khi tới tuổi 15 mới nên cho các em sử dụng giày, vì lúc đó kỹ năng điều khiển trái bóng ở mỗi người đã trở thành kỹ xảo |
- Bạn cứ chờ xem, 7 năm nữa, các em sẽ trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp, đủ sức chơi bóng ở bất kỳ CLB nào ở châu Á hoặc châu Âu. Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để thực hiện điều đó. Quan trọng hơn, tôi muốn dạy cho trẻ chơi thứ bóng đá có đạo đức, tuyệt nhiên không được nghĩ tới thói xấu, chơi tiểu xảo ở tuổi này. Ngay từ bây giờ, phải dạy cho họ cách suy nghĩ, phán đoán trước mọi tình huống trên sân, dùng cử chỉ phải thật khéo khi cần đồng đội hỗ trợ, tìm ra cách hóa giải tình huống khó khăn trong thời gian ngắn nhất... Bây giờ chưa thạo, nhưng về sau, tôi tin các em sẽ thuần thục với những kỹ năng này. Tôi rất cần sự hỗ trợ từ trường học, giúp cầu thủ hoàn thiện các kỹ năng khác nữa, như sử dụng máy vi tính, biết khai thác internet, để tự tìm tòi thế giới bên ngoài, mở rộng vốn kiến thức cho bản thân. Sau 3 tháng đào tạo, chúng tôi sẽ tổ chức kỳ kiểm tra đầu tiên. Còn hiện tại, mới qua gần một tháng, chưa có gì nhiều để đánh giá. Các cầu thủ vẫn đang trong giai đoạn rèn luyện các kỹ năng cơ bản...
· Hợp đồng của anh với học viện HAGL-Arsenal kéo dài 3 năm. Vậy sau đó, anh tính trở lại Pháp hay Thái Lan?
- Nếu cho tôi quyền lựa chọn, tôi sẽ chọn làm việc lâu dài tại Việt Nam. Chúng tôi có nhiều học viện ở châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và châu Á, nhưng Gia Lai là địa điểm lý tưởng để đào tạo bóng đá trẻ, vì ở đây thời tiết mát mẻ, tách biệt hẳn với môi trường ồn ào bên ngoài. Một lý do khác: đi đến đâu, tôi cũng nhận được tình cảm yêu mến của mọi người, bất kể đó có ở Gia Lai, Đắk Lắk, TPHCM hay Hà Nội... Sau 3 năm nữa, tôi có thể sẽ rời Việt Nam để nhận công việc mới. Nhưng, bạn hãy tin rằng những HLV đến sau rất giỏi, sẽ thay tôi tiếp tục dẫn dắt các em đến ngày trưởng thành.
THANH LÂM (thực hiện)