Tổng kết 5 năm phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo, Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM đã giới thiệu và tuyên dương 14 cá nhân điển hình xuất sắc trên các mặt đời sống xã hội. Câu chuyện về những việc làm tốt của các gương điển hình có thể khác nhau ở thời điểm, ở sự tác động, lan tỏa đối với xã hội, song tựu trung đều nằm ở ý nghĩa “Người Công giáo tốt là người công dân tốt” - mà kinh Thánh Chúa đã răn dạy…
1. 6 giờ 30 sáng, tại góc đường ngã tư Hương Giang - Thất Sơn (phường 15, quận 10) vang lên tiếng chổi quét rác của một nhóm bạn trẻ. Việc làm rất đỗi bình thường này đã diễn ra từ hơn 4 năm nay do linh mục Tạ Huy Hoàng, Chánh xứ Giáo xứ Thánh Tống Viết Bường khởi xướng.
Từ suy nghĩ câu nói của Bác Hồ: “Việc gì có ích cho dân thì dù nhỏ nhất cũng nên làm; việc gì có hại cho dân dù nhỏ nhất cũng nên tránh”, nên ông đã chọn công việc hàng ngày từ 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng và từ 14 giờ đến 14 giờ 30 chiều cầm chổi đi quét một vòng vỉa hè và các tuyến đường Hương Giang, Thất Sơn, Nguyễn Giản Thanh… trong khu phố.
Thấy việc ông làm dù bất kể ngày nắng hay mưa, nhiều người hỏi: “Thưa ông, tại sao ông lại ra đường quét rác?”, linh mục Tạ Huy Hoàng đáp: “Quét rác là một việc không khó làm và lại có ích cho xã hội nên tôi làm”. Trước lạ, sau dần hình ảnh một vị linh mục ngày ngày ra đầu phố quét rác đã thành quen và lôi kéo nhiều người khác cùng làm theo. Lúc đầu chỉ có người già sáng sáng cầm chổi ra đường quét rác, sau cả phụ nữ, thanh niên, trẻ em… cũng cầm chổi hàng ngày quét rác cùng ông.
2. “Khi nhắm mắt lại tôi lại thấy được rất nhiều điều mà khi còn mở mắt tôi đã không nhìn thấy” - câu nói sâu sắc và đầy ý nghĩa trên gây ấn tượng mạnh cho chúng tôi khi tiếp xúc với anh Nguyễn Quốc Phong, Chủ nhiệm Mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú). Là người khiếm thị, song anh bảo: “Tôi còn may mắn hơn so với khoảng 1 triệu người mù đang sống cạnh tôi trên quê hương này vì đã có 33 năm sáng mắt được thấy, được học hỏi bao điều tốt đẹp trước khi bóng đêm cuộc đời ập xuống…”.
Anh kể: “Vào một buổi tối tháng 7-1991, trên đường từ Đồng Nai về TPHCM, một mình trên chiếc xe gắn máy, tôi đã đâm vào phía sau một chiếc xe tải chở đầy cây lồ ô nhọn hoắt đang nằm chết máy giữa đường. Tỉnh dậy sau 2 ngày hôn mê tại bệnh viện, tôi biết mình đã vĩnh viễn không còn thấy ánh sáng và mất cả khứu giác. Tôi không chỉ mất đôi mắt và ánh sáng cuộc đời, mà còn mất cả mục đích và lý tưởng cuộc sống. Màn đêm, sự bế tắc và nỗi buồn vây kín lấy tôi. Thế rồi, trong một buổi sáng tháng 3-1992, sơ Lành đến rủ tôi đi dự một thánh lễ dành cho người khuyết tật ở nhà thờ Thánh Giuse, trong đó có nhiều người mù như tôi.
Và tôi đã nhanh chóng hòa nhập cùng họ và nhận biết chỉ có 10% các em nhỏ có cơ hội được đến trường. Điều này thôi thúc tôi đem những kiến thức đã có để giúp cho các em nhỏ mù lòa. Năm 1994, tôi cộng tác với sơ Quỳnh Giao mở cơ sở Huynh Đệ Như Nghĩa dạy các em khiếm thị học chữ, học nghề. Đến năm 1999, được sự hỗ trợ của một số bạn hữu, tôi mở Mái ấm Thiên Ân với cơ sở ban đầu chỉ vài phòng học trên một khu đất trống. Đến nay, Mái ấm Thiên Ân đã trở thành một cơ sở dạy chữ, dạy nghề khang trang cho gần 100 em khiếm thị…”.
Hành trình đi tìm ánh sáng trong bóng tối của anh Phong còn được nhiều người nhắc đến qua các việc làm như: chuyển dịch tiếng Anh, nhạc, kinh thánh, sách giáo khoa… sang chữ nổi Braille để dạy học cho người khiếm thị. Những bộ sách này sau đó được in và phát hành rộng rãi trên cả nước, đã mang về nguồn thu đáng kể duy trì hoạt động cho Mái ấm Thiên Ân.
3. Đến nhà thờ Giáo xứ Mai Khôi (Hàm Tử, quận 5), hình ảnh nhận thấy đầu tiên là ngay trước cửa ra vào có 2 thùng quyên góp, phía trên ghi dòng chữ: “Nay tồn 7.983.000 đồng. Xin cho heo mau lớn”. Người “nuôi heo” – linh mục Chánh xứ Đỗ Quang Chí - khoe: “Đây là “heo con” thôi, còn “heo nái” để trong kia”.
Nói rồi, ông đưa chúng tôi xem bảng đăng ký thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI của Giáo xứ Mai Khôi được công bố trong Ngày hội Đại đoàn kết của quận 5 tổ chức ngày 13-11 với số tiền sẽ quyên góp được là 100 triệu đồng để chăm lo cho người nghèo đón tết.
Ông nói: “Nhiều người hỏi tôi tiền đâu, tôi đặt tay lên ngực trái nói rằng: “Chúa dạy, mến Chúa phải yêu người”. Đi đâu tôi cũng nói điều đó, thế là mọi người góp tiền cho tôi. Có người là giáo dân, là Phật tử và cả không có đạo, có người là đại gia, doanh nghiệp, khách vãng lai… nghe tôi nói đều mở hầu bao”.
Dù “cua còn trong hang” nhưng linh mục Chí hồ hởi cho biết đã lên kế hoạch tặng bao nhiêu phần quà tết cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, người sau cai, trẻ em khuyết tật, đoàn viên, hội viên, quân nhân xuất ngũ, bộ đội tại ngũ… trong khu phố, trong phường và cả trong quận. Thấy tôi có vẻ… chưa thông, ông bảo: “Cũng cách này mà tết năm ngoái tôi kiếm được 185 triệu đồng đấy. Năm nay có 100 triệu mà, nhằm nhò gì!”.
Hoài Nam