Xét nghiệm, chiếu chụp là một trong những kỹ thuật y khoa phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Tuy nhiên, do thiếu quy chuẩn nên nhiều cơ sở y tế đang lạm dụng các loại chẩn đoán, xét nghiệm với người bệnh, cũng như không chấp nhận sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho người bệnh, không chỉ mất thời gian, tốn kém mà việc điều trị càng trở nên phức tạp.
Điệp khúc “chiếu chụp, xét nghiệm”
Đã quá trưa, phòng xét nghiệm của một bệnh viện lớn ở Hà Nội vẫn còn khá đông bệnh nhân, nhiều người tỏ ra mệt mỏi vì thời gian chờ đợi quá lâu. Trao đổi với chúng tôi, bác Hoàng Đức Minh (ở Phủ Lý, Hà Nam) ngao ngán: Mất gần hai giờ chờ đợi, tôi mới có kết quả xét nghiệm máu. Tưởng sau đó bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và kê đơn thuốc, nhưng ai ngờ lại bắt đi làm thêm xét nghiệm nước tiểu và siêu âm ổ bụng.
Cùng hoàn cảnh với bác Minh, chị Lê Thị Hoa (ở Hạ Hòa, Phú Thọ) chia sẻ: Vừa rồi tôi có người nhà bị bệnh tim đến bệnh viện ở Hà Nội chữa bệnh. Bác sĩ viết phiếu đi chụp X quang, làm điện tâm đồ, siêu âm tim. Khi có kết quả quay lại thì bác sĩ yêu cầu đi siêu âm tim lần nữa. Thấy lạ, tôi thắc mắc hỏi đã siêu âm rồi sao lại phải siêu âm tiếp thì nhận được câu trả lời nhát gừng: “Đấy là siêu âm lần 1, còn bây giờ phải siêu âm lần 2 mới chẩn đoán được chính xác bệnh!”.
Xét nghiệm sinh hóa giúp việc chẩn đoán bệnh chính xác nhưng tránh lạm dụng.
Không chỉ vậy, nhiều người bệnh dù đã được cơ sở khám chữa bệnh xét nghiệm, chẩn đoán ra bệnh nhưng khi tới cơ sở y tế khác điều trị vẫn phải làm lại nhiều xét nghiệm.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (ở Vĩnh Yên) cho biết bị đau đầu liên tục gần 2 tháng qua. Gia đình đưa anh đi khám từ tuyến y tế cơ sở đến bệnh viện tỉnh. Đến đâu, anh cũng bị các bác sĩ chỉ định đi chụp não và làm một số xét nghiệm giống nhau, sau đó kê đơn thuốc cho về nhà uống. Thế nhưng lúc hết thuốc bệnh lại trở về như cũ. Được giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên, các bác sĩ cũng lại yêu cầu chụp X quang, siêu âm ổ bụng, làm các xét nghiệm nước tiểu, nhóm máu, máu lắng, thành phần bạch cầu... là những thứ gần 2 tháng qua anh đã phải làm đi, làm lại tại các cơ sở y tế từ huyện lên tỉnh. “Các bệnh viện không tin tưởng kết quả của nhau nên cứ bắt người bệnh phải nhiều lần làm xét nghiệm, chiếu chụp; vừa tốn thời gian, tiền bạc vừa làm người bệnh thêm mệt mỏi...”- anh Tuấn bức xúc.
Người bệnh gánh hậu quả
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc lạm dụng các chỉ định về xét nghiệm, chiếu chụp X quang, siêu âm, thậm chí chụp Citi cắt lớp cho người bệnh đang diễn ra tại nhiều bệnh viện từ bệnh viện tư nhân cho tới không ít bệnh viện công lập. Bởi lẽ đang tồn tại dưới dạng bất thành văn là không đơn vị y tế nào tin vào kết quả xét nghiệm, chụp, chiếu của đơn vị khác. Chính vì điều này bệnh nhân không những thiệt hại về vật chất mà còn hoang mang về tinh thần.
Trong khi đó một số chuyên gia y tế cho biết, xét nghiệm, chiếu chụp là khâu quan trọng trong quy trình khám chữa bệnh, nhưng tình trạng lạm dụng xét nghiệm, chiếu chụp tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh là do Bộ Y tế vẫn chưa đưa ra được một quy chuẩn về xét nghiệm, chiếu chụp. Thậm chí, các trang thiết bị dùng để xét nghiệm, chiếu chụp ở nhiều bệnh viện còn không đảm bảo độ chính xác, thiếu đồng bộ, khiến bệnh viện nọ nghi ngờ kết quả xét nghiệm của bệnh viện kia và hậu quả đổ tất cả lên đầu người bệnh. Hơn nữa, nhiều cơ sở y tế do trình độ của kỹ thuật viên hóa sinh, xét nghiệm hạn chế nên việc đọc kết quả khiến ngay cả những người có chuyên môn cũng phải choáng váng vì sai lệch với nhau quá lớn.
Trước thực trạng đáng lo ngại trên, mới đây, Bộ Y tế đã kiểm tra tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội về công tác chẩn đoán, xét nghiệm. Tại Bệnh viện Việt - Đức, tình trạng bệnh nhân từ các bệnh viện tuyến tỉnh khi chuyển lên phải làm lại một số xét nghiệm vẫn còn khá phổ biến, ngay cả khi kết quả xét nghiệm đó họ mới làm ở tuyến dưới.
Ông Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức cho biết, nơi đây sẵn sàng công nhận kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác nhưng với điều kiện phải đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, hiện bệnh viện mới chỉ chấp nhận một số kết quả xét nghiệm của vài bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Nhi Trung ương.
Còn bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lại lý giải, nhiều trường hợp các bệnh viện yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm lại vì trang thiết bị y tế ở mỗi tuyến, mỗi bệnh viện khác nhau, nhất là ở các bệnh viện tuyến dưới thường ít được trang bị các máy có thông số lớn.
Để giải quyết tình trạng người bệnh đang bị làm khổ bởi nhiều loại xét nghiệm, chiếu chụp, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải hướng dẫn và yêu cầu bác sĩ khi chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp phải rà soát những kết quả xét nghiệm bệnh nhân đã có, nếu có thể sử dụng được thì không cần làm lại. Những xét nghiệm nào chưa có, cần bổ sung để phục vụ chẩn đoán thì mới chỉ định thực hiện, tránh lãng phí và gây tốn kém tiền bạc, thời gian và công sức của người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ rõ, với những xét nghiệm đắt tiền, nếu buộc phải chỉ định làm lại thì cần tư vấn giải thích, tránh gây bức xúc cho người bệnh. Đồng thời bệnh viện cần rà soát tỷ lệ các xét nghiệm, chụp chiếu mà bệnh viện sử dụng lại khi bệnh nhân chuyển tuyến đến, đồng thời tổ chức bình bệnh án để xem xét những xét nghiệm, chụp chiếu nào chỉ định không cần thiết. Đối với các bệnh viện cùng hạng phải có quy trình nội kiểm, ngoại kiểm chuẩn mực để chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau, tránh tình trạng một số bệnh viện cùng hạng, thậm chí nằm sát nhau nhưng khi bệnh nhân từ nơi này chuyển sang nơi kia vẫn phải làm lại xét nghiệm.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cũng cho biết, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo về quy trình kiểm chuẩn thiết bị xét nghiệm sinh hóa, huyết học và sẽ ban hành trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở để các bệnh viện tuân thủ nhằm đảm bảo chất lượng xét nghiệm, từ đó tiến tới công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, giảm chi phí cũng như phiền hà cho người bệnh.
TRUNG KIÊN