Làm đường kết hợp chỉnh trang đô thị - Cần tính toán khoa học

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang hoàn tất những công việc cuối cùng để trình UBND TP đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc 3 trục đường quan trọng bậc nhất thành phố: Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (Đại lộ Đông - Tây), Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) và xa lộ Hà Nội. Dù thành phố chưa phê duyệt song câu hỏi, làm sao để quy chế đi vào cuộc sống, trở thành cơ sở, điều kiện cho việc chỉnh trang đô thị ở ba khu vực này luôn làm người dân băn khoăn? PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM xung quanh vấn đề trên.
Làm đường kết hợp chỉnh trang đô thị - Cần tính toán khoa học

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang hoàn tất những công việc cuối cùng để trình UBND TP đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc 3 trục đường quan trọng bậc nhất thành phố: Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (Đại lộ Đông - Tây), Phạm Văn Đồng (Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài) và xa lộ Hà Nội. Dù thành phố chưa phê duyệt song câu hỏi, làm sao để quy chế đi vào cuộc sống, trở thành cơ sở, điều kiện cho việc chỉnh trang đô thị ở ba khu vực này luôn làm người dân băn khoăn? PV Báo SGGP đã phỏng vấn ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM xung quanh vấn đề trên.

Dự án làm đường giao thông mới hoặc chỉnh trang mở rộng đường cũ kết hợp với chỉnh trang đô thị là nội dung đã được đề cập, được bàn luận ở TPHCM từ nhiều năm trước. Vấn đề là, để giải quyết đồng thời cả hai yêu cầu này, cần có thời gian, chi phí và công sức. Chính vì vậy, dù đã được đặt ra nhưng cuối cùng việc chỉnh trang đô thị thường bị để lại, nhường cho yêu cầu quan trọng hơn, cấp bách hơn là làm đường, giải quyết ngay nhu cầu đi lại vốn đang rất bức bách của người dân.

* Phóng viên:
Nhưng với việc giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc nghiên cứu xây dựng đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc cho ba trục đường giao thông lớn, chứng tỏ TPHCM đã quan tâm hơn đến chỉnh trang đô thị, bên cạnh việc đầu tư xây dựng đường giao thông?

* Ông HỒ QUANG TOÀN: Theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang khẩn trương hoàn tất đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc cho ba trục đường này. Đây là nội dung nghiên cứu mang tính định hướng về tổ chức không gian kiến trúc. Tuy nhiên, để chúng đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có hàng loạt chính sách về quản lý phát triển đô thị, thu hút đầu tư… đi kèm. Các chính sách có vai trò quyết định sự thành công của việc triển khai thực hiện các đồ án thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc. Nó đòi hỏi sự tham gia xây dựng và kiện toàn của nhiều sở - ban, ngành của thành phố như tài chính, kế hoạch đầu tư, xây dựng, kiến trúc và thậm chí cả ngành lao động, thương binh - xã hội trong các vấn đề liên quan đến việc tái định cư, chăm lo đời sống, tạo việc làm cho người dân.

Nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Phạm Cao Minh

Nhà siêu mỏng trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Phạm Cao Minh

* Như vậy sẽ là một chính sách mang tính tổng hợp, thưa ông?

* Khi muốn chỉnh trang một khu phố hay cả một khu vực, cần thiết phải lập dự án khả thi hoặc tiền khả thi cho khu vực đó. Song song đó, cần nghiên cứu, xem xét toàn diện về kinh tế, xã hội với các mặt như cảnh quan, địa hình, địa chất, môi trường, yếu tố bảo tồn, bảo tàng, khả năng thu hút đầu tư, số lượng dân cư và đời sống dân cư có khả năng bị ảnh hưởng trong khu vực… Từ đó, các đơn vị liên quan đến dự án sẽ xây dựng cơ chế thu hút, đầu tư, chỉnh trang đô thị. Ví dụ, trong khu vực có nhiều kiến trúc cần bảo tồn, đầu tư vào đấy, nhà đầu tư không sinh lợi hoặc có nhưng không đáng kể, các sở ngành sẽ phải xem xét giao kèm cho nhà đầu tư một khu khác sinh lợi hơn để “bù đắp” cho phần “thiệt thòi” kia. Hay như việc giải tỏa nhà dân, phục vụ công tác chỉnh trang đô thị, ngoài việc đền bù theo quy định, các chính sách chăm lo đời sống người dân sẽ rất quan trọng, nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và cũng là để cho người dân đồng thuận hơn với chủ trương chỉnh trang đô thị. Nói tóm lại, đó phải là một cơ chế có thể đảm bảo được quyền lợi của tất cả các bên liên quan: người dân, nhà nước, nhà đầu tư. Giải quyết tốt mối quan hệ này và có cơ chế chính sách phù hợp là cơ sở quan trọng để triển khai công tác xây dựng, chỉnh trang đô thị, đưa các đồ án thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc vào đời sống một cách bài bản.

* Vấn đề hiện nay là đường đã làm xong và nhiều người dân ở hai bên đường đã xây dựng lại nhà ở. Bây giờ thực hiện công tác chỉnh trang đô thị ở 3 tuyến đường nêu trên liệu có quá trễ? Nhất là khi nhiều hộ dân, trước đây ở trong hẻm, nay nhờ giải tỏa trở thành nhà mặt tiền với điều kiện kinh doanh thuận lợi… Họ có chấp nhận giải tỏa một lần nữa?

* Đây đúng là thách thức rất lớn đối với thành phố. Trước mắt, cần tăng cường quản lý xây dựng, đồng thời có hướng dẫn, khuyến khích người dân xây sửa nhà theo các quy định hiện hành, đảm bảo hài hòa với công trình kế cận trong khu vực. Đối với các dự án xây dựng, chỉnh trang đô thị toàn diện, cần có chính sách thu hút đầu tư phù hợp, hấp dẫn doanh nghiệp. Còn với người dân, để nhận được sự đồng thuận, thành phố phải có chính sách đền bù, chăm lo thật tốt đời sống người dân. Mọi quy định không thể vượt ngoài khuôn khổ của pháp luật nhưng với mục tiêu chỉnh trang, phát triển đô thị, TPHCM có thể chủ động đề xuất Chính phủ cho cơ chế riêng, hợp tình, hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố. Từ nay về sau, những dự án xây dựng mới hoặc mở rộng các tuyến đường mới, nên nghiên cứu lập dự án tổng thể bao gồm cả phần làm đường và kiến trúc cảnh quan hai bên đường. Thành phố nên có chính sách xuyên suốt để làm tốt các công tác này. Bởi lẽ, việc triển khai các dự án tổng hợp như thế sẽ vừa giúp thành phố phát triển đô thị bền vững vừa giúp ổn định cuộc sống người dân.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục