Một khi có hiệu lực, Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (EU) sẽ tạo điều kiện cho GDP của Việt Nam tăng 7% - 8% vào năm 2025, xuất khẩu tăng 50% vào năm 2020 và lên 93% vào năm 2025. Trong đó, hàng dệt may tăng 16%, may mặc tăng 40% và đồ da tăng 31%. Tuy nhiên, để có thể đạt được những con số tăng trưởng trên, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều rào cản để vượt qua.
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội nghị nâng cao năng lực tiếp cận thị trường châu Âu đối với ngành dệt may, da giày và thực thi hiệp định FTA Việt Nam - EU do Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU - MUTRAP) tổ chức tại TPHCM ngày 25-9.
Thị trường nhiều tiềm năng nhưng lắm rào cản
Hiệp định thương mại Việt Nam - EU dự kiến được ký trong năm 2015 và sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất trong nước. Bởi cùng với lợi thế cạnh tranh mà doanh nghiệp Việt Nam được hưởng từ việc cắt, giảm thuế quan xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh doanh nghiệp, thì ngược lại, EU cũng đã dựng lên rất nhiều rào cản kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Thông, Viện trưởng Viện Dệt may cho biết, để được nhập khẩu vào EU, sản phẩm dệt may, da giày Việt Nam phải tuân thủ một loạt quy định về quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn sản phẩm, dán nhãn hướng dẫn sử dụng và nước xuất xứ, sử dụng hóa chất, tên xơ dệt và nhãn thành phần xơ dệt, bao bì và chất thải từ bao bì, thiết kế, thiết bị bảo hộ... một cách nghiêm ngặt.
Chưa hết, quy tắc xuất xứ là một quy tắc mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều khó có khả năng đáp ứng được để tận dụng lợi thế giảm thuế xuất khẩu. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn lo lắng, trong tỷ trọng xuất khẩu của ngành dệt may có đến 85% là gia công, 12% là FOB (tự chủ nguyên liệu) và chỉ có 3% sản phẩm được thiết kế, sản xuất và tiêu thụ. Và với cơ cấu này, nếu hiệp định thương mại Việt Nam - EU và tới nữa là hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương càng sớm ký kết và thực thi thì doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam càng sớm… đóng cửa. Bởi trong 2-3 năm nay xu thế đầu tư để đón đầu các hiệp định thương mại tại Việt Nam của các công ty FDI diễn ra rất mạnh mẽ với quy mô đầu tư vài tỷ USD. Thế nhưng, họ lại đầu tư theo hình thức khép kín từ nguyên liệu đến đầu ra và không có sự chia sẻ nguồn nguyên liệu sản xuất với công ty nội. Trong khi đó, doanh nghiệp nội lại không thể đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu sản xuất vì không có khả năng về vốn. Vậy lấy cơ sở nào để cạnh tranh?
Mặt khác, sự khác biệt giữa hai hệ thống quản lý quy chuẩn và tiêu chuẩn giữa Việt Nam và các nước EU cũng là khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày trong nước đang phải đối mặt. Các chuyên gia cũng cảnh báo về năng lực kiểm định sản phẩm dệt may, da giày của các tổ chức trong nước không đáp ứng các quy định về quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật (TBT).
May áo sơ mi xuất khẩu tại Công ty cổ phần Việt Hưng. Ảnh: CAO THĂNG
Số lượng các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng dệt may, da giày phát triển rất nhanh. Năm 2014 có trên 6.000 doanh nghiệp dệt may, 800 doanh nghiệp da giày. Thị trường thử nghiệm dệt may và da giày có doanh số tăng trưởng cao và dự báo trong giai đoạn 2015-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng 10%/năm. Tuy nhiên 88% thị phần thị trường này bị kiểm soát bởi các công ty thử nghiệm đa quốc gia như BV, Intertex, SGS, TUV. Trong khi đó, mặc dù được đầu tư về năng lực thử nghiệm, trang thiết bị, nhân lực và hệ thống quản lý, các tổ chức thử nghiệm trong nước vẫn còn gặp một số trở ngại để được công nhận kết quả thử nghiệm ở thị trường các nước nhập khẩu, đặc biệt là tại EU và Mỹ là hai thị trường xuất khẩu chủ lực hàng dệt may, da giày Việt Nam.
Thích ứng để tăng thị phần xuất khẩu
Nếu muốn trụ vững và mở rộng thị phần tại EU, doanh nghiệp Việt Nam không có cách nào khác là phải nỗ lực để khắc phục những hạn chế như thiếu thông tin và hiểu biết thấu đáo về quy chuẩn, tiêu chuẩn pháp lý và tiêu chuẩn tư nhân tại thị trường EU. Đặc biệt, sự yếu kém trong chủ động nguồn nguyên phụ liệu sản xuất và dự đoán xu hướng tiêu thụ sản phẩm dệt may, da giày. Tuy nhiên, để có thể giải quyết những vướng mắc này, không thể tự mỗi doanh nghiệp nội có thể làm được mà cần có sự liên kết ngành, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách khẳng định. Riêng ông Claudio Dordi, Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn EU-MUTRAP khuyến nghị thêm, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào việc đẩy mạnh phát triển kênh phân phối tại EU, tạo lập thương hiệu quốc gia và tập trung vào sản phẩm thân thiện với môi trường và xã hội, tuân thủ các quy định kỹ thuật an toàn vệ sinh…
Có thể nói, mặc dù tốc độ tăng trưởng được dự báo chậm lại nhưng EU vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới với bình quân GDP trên đầu người lên tới 25.000 EUR, trên tổng số 500 triệu người tiêu dùng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Riêng xét đối với ngành dệt may và da giày, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước xuất khẩu vào thị trường EU với doanh số xuất khẩu dệt may 2014 đạt 20,9 tỷ USD và giày dép là 12,7 tỷ USD. Điều đáng nói, mức tăng trưởng xuất khẩu hai ngành này giữ ổn định trung bình 15%/năm trong 5 năm gần đây. Dự kiến, khi hiệp định thương mại Việt Nam - EU ký kết trong năm 2015, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào thị trường EU sẽ tăng hơn 17%/năm. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp nội sẽ phải làm cuộc cách mạng trong chính hoạt động sản xuất của mình. Về phía các cơ quan chức năng đẩy mạnh chính sách khuyến khích đầu tư ngành công nghiệp phụ trợ, cung ứng nguyên phụ liệu sản xuất cho doanh nghiệp nội. Có như vậy, sản phẩm Việt Nam nói chung mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế.
ÁI VÂN - MINH HẢI