Làm gì để giảm tình trạng lang thang xin ăn?

Những năm gần đây, tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố lại có xu hướng gia tăng và có cả người nước ngoài. Cụ thể, năm 2014, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM tiếp nhận 1.673 người; năm 2015 tiếp nhận 2.099 người; năm 2016 tiếp nhận 2.179 người; năm 2017 tiếp nhận 2003 người.
Trẻ em ăn xin trên đường phố, ở quận 5, TPHCM. Ảnh: TUẤN VŨ
Trẻ em ăn xin trên đường phố, ở quận 5, TPHCM. Ảnh: TUẤN VŨ

Để giảm tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn TPHCM, các giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ. Trước hết là trong việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. UBND TPHCM đã ban hành nhiều văn bản về quản lý người lang thang, xin ăn.

Gần đây nhất là Quyết định 29/2017/QĐ-UBND về việc quản lý người xin ăn không nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, quá trình thực hiện sẽ phát sinh những vấn đề mới mà chính quyền cấp cơ sở khó có thể giải quyết được.

Có tình trạng người xin ăn bị lợi dụng, bị bóc lột hoặc đối phó với cơ quan chức năng khi thực thi công vụ. Do đó, các cơ quan cần thường xuyên sâu sát cơ sở, nắm bắt thực tiễn để tham mưu cho thành phố ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và chính quyền các cấp giải quyết tốt nhất, giảm thiểu tối đa tình trạng người lang thang, xin ăn.

Các tổ chức, các ngành có liên quan và các đoàn thể chính trị - xã hội ở TPHCM cần phối hợp tốt hơn. Trong đó, chính quyền địa phương cần thực hiện tốt việc tập trung đối tượng là người lang thang, xin ăn trên địa bàn mình quản lý; vận động người dân không cho tiền người xin ăn tại các giao lộ, chợ, chùa, cây xăng...

Để giảm người xin ăn là người ở TPHCM, các địa phương cần làm tốt công tác đào tạo, giới thiệu việc làm, giảm nghèo, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, chăm lo các đối tượng xã hội ngay tại cộng đồng...

Đặc biệt, ngành LĐTB-XH phải kết hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề như: nạn chăn dắt, xúi giục, ép buộc người già, trẻ em, người khuyết tật đi xin ăn và phải có chế tài xử lý nghiêm khắc để làm gương nhằm răn đe, giáo dục các đối tượng trục lợi trên thân xác của người yếu thế; nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch đến TPHCM.

Sở LĐTB-XH TPHCM cũng cần chủ động phối hợp với Sở LĐTB-XH các tỉnh, thành có đông người xin ăn - nhất là những địa phương có phong tục tập quán hàng năm phải đi xin ăn mới đem lại may mắn cho gia đình, dòng họ - để giải quyết hiệu quả ngay từ gốc tình trạng lang thang, xin ăn.

Cùng với kêu gọi người dân không nên cho tiền trực tiếp người lang thang, xin ăn, TPHCM có thể áp dụng thí điểm khi người dân phát hiện người lang thang, xin ăn, báo cho chính quyền địa phương thì người báo sẽ được nhận một khoản thù lao nhất định do ngân sách địa phương đó chi trả.

Có sự tham gia tích cực của người dân, TPHCM chắc chắn sẽ kéo giảm được tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng; xây dựng TPHCM văn minh, sạch đẹp, tạo hình ảnh đẹp trong con mắt của du khách trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục