Làm gì để góp sức xây dựng và bảo vệ biển đảo?

LTS:
Làm gì để góp sức xây dựng và bảo vệ biển đảo?

LTS: Trong những ngày cả nước đang sục sôi vì hành động ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, bạn đọc ở nhiều địa phương trong cả nước đã gọi đến đường dây nóng Báo SGGP hỏi: Cách nào thiết thực nhất để hỗ trợ cho các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc? Tại huyện đảo Trường Sa, PV Báo SGGP đã trao đổi với Đại tá Bùi Văn Thiết, Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân Việt Nam, để có lời đáp cho vấn đề thời sự nóng bỏng này.

Làm gì để góp sức xây dựng và bảo vệ biển đảo? ảnh 1

Chuyển quà của hậu phương gửi ra Trường Sa.

- Phóng viên: Những năm qua, hậu phương luôn chung sức và hết lòng hỗ trợ việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng chí có thể cho biết hoạt động này đã mang lại những hiệu quả như thế nào?

>> Đại tá BÙI VĂN THIẾT: Những năm qua, nhân dân các địa phương trong cả nước đã có những đóng góp thiết thực hỗ trợ việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, gắn với phát triển kinh tế và ổn định đất nước. Đặc biệt là tình đoàn kết quân dân luôn được chăm chút vun đắp, giữ gìn. Các chương trình và các cuộc vận động hướng về biển đảo càng củng cố lòng tin và ý chí cho các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở Trường Sa và nhà giàn DK1, làm cho Trường Sa và DK1 gần với đất liền hơn. Nhiều địa phương và các ngành chức năng liên quan cũng đã quan tâm hỗ trợ việc bảo vệ môi trường sinh thái, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, góp sức xây dựng huyện đảo Trường Sa giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, mẫu mực về quan hệ quân dân. Đặc biệt, TPHCM đã rất quan tâm và có nhiều hoạt động hỗ trợ biển đảo bằng tình cảm rất chân thành. Năm nào TPHCM cũng tổ chức đoàn đại biểu ra thăm, tặng quà quân dân huyện đảo Trường Sa, chăm lo cải thiện cuộc sống và sinh hoạt cho bộ đội. Ngoài ra TPHCM còn có những hoạt động chăm lo các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo đóng trên địa bàn và giúp đỡ các gia đình bộ đội gặp hoàn cảnh khó khăn.

Với sự góp sức của hậu phương và sự nỗ lực của quân dân Trường Sa, đã có những đổi thay tích cực trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân đang sinh sống, lao động sản xuất tại huyện đảo Trường Sa và các ngư dân trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Và cũng đã có những hiệu quả thiết thực trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở Trường Sa, trong hoạt động dịch vụ của âu tàu ở Song Tử Tây, trong công tác xây dựng chính quyền và chăm lo cho các giáo viên và học sinh tại các xã đảo và thị trấn Trường Sa. Hiện nay, các cơ sở doanh trại bộ đội Trường Sa đã được nâng cấp. Cảnh quan môi trường trên các đảo được chăm sóc tốt hơn. Các đảo ở Trường Sa đều có nguồn năng lượng điện gió và điện mặt trời nên có điện sinh hoạt 24/24 giờ. Lượng dự trữ nước sạch cũng tăng hơn trước. Liên lạc viễn thông với đất liền đã được đầu tư, giúp bộ đội giữ được liên lạc với gia đình.

- Hẳn vẫn còn rất nhiều việc các đơn vị đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo rất cần sự góp sức của hậu phương?

Trong điều kiện xa đất liền, hoạt động khó khăn và có nhiều vấn đề gay góc từ thực tế sản xuất và sẵn sàng chiến đấu đang đặt ra, đòi hỏi cao về kinh phí đầu tư, khoa học kỹ thuật, nhân lực. Chúng tôi đang nghiên cứu thí điểm việc lọc nước biển thành nước ngọt ở 1 đảo nổi, 1 nhà giàn và 1 đảo chìm; đầu tư trang bị giường tủ và phương tiện sinh hoạt đồng bộ cho bộ đội; nâng cấp các nhà đã xuống cấp; xử lý rác thải… Đó là những việc rất cần sự tiếp sức. Hiện nay các đảo đều rất đau đầu về giải pháp thích hợp để xử lý rác. Nếu không nghiên cứu căn cơ từ bây giờ thì chỉ vài năm nữa sẽ phải gánh hậu quả môi trường biển đảo bị hủy hoại. Với thế mạnh về khoa học công nghệ, TPHCM có thể hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các chương trình này.

- Báo SGGP đang vận động chương trình “Chăm lo hậu phương, vững lòng biển đảo”, qua đó bạn đọc đã nồng nhiệt hưởng ứng góp quỹ học bổng cho con bộ đội Trường Sa, chăm lo gia đình bộ đội biển đảo có hoàn cảnh khó khăn. Theo đồng chí, trong tình hình hiện nay, cách nào thiết thực nhất để hỗ trợ cho các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc?

Chúng tôi rất cảm kích, hoan nghênh việc Báo SGGP có các hoạt động rất thiết thực và có ý nghĩa trong việc chăm lo bộ đội và gia đình bộ đội có hoàn cảnh khó khăn. Những chương trình này càng củng cố lòng tin và ý chí cho các cán bộ chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biển đảo. Trong tình hình hiện nay, việc có ý nghĩa nhất mà Báo SGGP và nhiều báo khác đang làm là tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, giúp mọi người dân nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tình đoàn kết quân dân. Chúng tôi ghi nhận nhiều người dân đang rất tâm huyết, muốn có hành động thiết thực vì biển đảo. Một việc mà Quân chủng Hải quân đang rất quan tâm là thực hiện chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, sẽ rất hoan nghênh nếu như Báo SGGP đứng ra vận động phong trào “Góp đất xanh hóa Trường Sa”. Các đảo ở Trường Sa trên nền san hô, không có đất trồng cây xanh, trước đây hải quân đã đưa đất ra để trồng được nhiều cây xanh trên các đảo, nay đã 20 năm, lớp đất này đã cằn, rất cần có thêm nhiều đất để trồng cây phủ xanh các đảo, vừa tạo cảnh quan, môi trường, vừa che chắn trận địa, làm phong phú hệ thực vật, làm cho Trường Sa ngày càng giàu đẹp. Bước đầu sẽ vận động ủng hộ kinh phí để đầu tư đất xanh hóa một đảo, từ đó tạo thành phong trào hỗ trợ việc xanh hóa tất cả các đảo nổi ở Trường Sa. Phong trào này sẽ rất có ý nghĩa, bởi mỗi người dân đều có thể góp công sức mình cho biển đảo.

Ngoài ra, trong tình hình hiện nay, bà con ngư dân vẫn đang kiên cường bám biển, lực lượng Hải quân đã có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho ngư dân khắc phục khó khăn, giữ vững ngư trường, như: xây dựng âu tàu cho ngư dân tránh bão, giúp việc cứu hộ, khám chữa bệnh, cung cấp dầu bằng giá ở đất liền… Các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đều có thể góp sức hỗ trợ ngư dân bám biển. Đó cũng là việc thiết thực để khẳng định chủ quyền.

HUỲNH THANH LUÂN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục