Làm gì để tạo dựng sân chơi đúng nghĩa cho sinh viên ?

Mong muốn tạo dựng một sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo sinh viên trong kỳ Đại hội lần này phần nào thất bại. Sự hiện diện của quá đông nhà vô địch Đông Nam Á, những ngôi sao châu Á làm thay đổi bản chất Đại hội thể thao sinh viên.

Ở nhiều môn thể thao như bóng bàn, Taekwondo, Pencak Silat, một số VĐV điền kinh của Việt Nam đã gặt hái sự thành công khá dễ dàng. Đối với các nước khác như bơi lội của Thái Lan, quần vợt của Indonesia, cầu lông của Malaysia cũng tạo sự chênh lệch quá lớn trên đấu trường. Điều đó cần phân biệt với những nỗ lực lớn lao của một số cá nhân, tập thể.

Như ở môn cờ Vua, xét về hệ số Elo, các kỳ thủ Việt Nam không phải cao nhất nhưng đã tự tin giành 11/12 HCV; Lê Thị Phương (nhảy sào) vượt qua VĐV vừa giành HCB tại Doha Roslinda Samsu (Malaysia, nhảy qua 4m30 tại ASIAN Games)…trong khi đương kim vô địch Á vận hội Nguyệt Ánh (Karatedo), Minh Quân (tay vợt hàng đầu môn tennis)… đã không thể giành HCV.

Toàn bộ các nước tham gia đại hội đều có các vận động viên vừa từ Qatar trở về, đó là xu hướng chung và Việt Nam không thể đi ngược. Muốn có sân chơi đúng nghĩa cần phải thay đổi điều lệ, quy định chặt chẽ hơn đối tượng tham dự. Trong trường hợp điều lệ giữ nguyên, việc có mặt các tuyển thủ thể thao quốc gia hàng đầu là không tránh khỏi.

Làm gì để đưa các môn thể thao đến với sinh viên ? Như Pencak Silat, Karatedo, bóng rổ đã thu hút đông đảo sinh viên. Ngược lại, điền kinh, bơi lội quá vắng bóng khán giả vì tổ chức xa sinh viên. Nếu các trường đại học có được hệ thống cơ sở vật chất tốt hơn, có lẽ sẽ giải quyết được. Đó cũng là điều mà những người làm công tác thể thao trong ngành giáo dục nói riêng, người làm thể thao phong trào và đỉnh cao nói chung hết sức mong muốn.

Phương Hoa

Tin cùng chuyên mục