Diễn đàn

Làm gì để ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học?

Thứ nhất
  • Đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên chưa sát thực tế

Trên trang Khoa học – công nghệ của Báo Sài Gòn Giải Phóng mở diễn đàn ghi nhận ý kiến của bạn đọc và các nhà khoa học về thực trạng, giải pháp để tăng cường ứng dụng vào thực tế các đề tài nghiên cứu khoa học… Các ý kiến, bài viết cho diễn đàn, xin gửi về Ban Khoa giáo Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432-438 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3 TPHCM, ĐT: (08) 8 397628. Email: minhtusggp@yahoo.com

Tôi là sinh viên (SV) năm cuối Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Tôi xin có một số nhận định về việc tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH) của SV:

- Các bạn SV rất quan tâm đến NCKH, thậm chí các SV năm nhất tham gia rất nhiệt tình bởi yêu thích hay quan tâm đến một vấn đề nóng bỏng trong nhiều lĩnh vực và muốn đóng góp những giải pháp của bản thân; đoạt giải sẽ mang lại quyền lợi cho SV như được xét làm luận văn tốt nghiệp, được cộng điểm.

- Bên cạnh những đề tài NCKH có tính thực tiễn cao là những đề tài mang tính lý thuyết rập khuôn, sao chép phần lớn các tài liệu trên mạng rồi kết hợp lại với nhau. Đầu tư về phần cơ sở lý luận thì nhiều mà phần giải pháp thực tiễn rất ít, vẫn mang tư tưởng bài càng dài càng tốt, nhiều đề tài phạm vi nghiên cứu quá rộng so với nhận thức của SV dẫn đến  tính ứng dụng thực tiễn kém.

- Có lần được xem buổi trình bày đề tài NCKH giải thưởng EUREKA, tôi thật sự thất vọng khi nghe một số tác giả trình bày đề tài một cách tẻ nhạt, cầm tài liệu đọc chẳng buồn để tâm đến Ban giám khảo, thậm chí không nắm kỹ đề tài của mình nên tỏ ra lúng túng khi bị giám khảo chất vấn. Không ít SV cho rằng một trong những yếu tố góp phần làm nên những đề tài đoạt giải cao là do người trực tiếp hướng dẫn đề tài NCKH.

Chúng ta cần những giải pháp cho tình trạng này. Tôi hoàn toàn tán thành với ý kiến của PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng – Chủ tịch Hội Khoa học công nghệ tự động TPHCM rằng cần tăng cường loại đề tài có đơn đặt hàng. Đây là điều mà không chỉ tôi mà các bạn SV khác đều mong muốn bởi sẽ tạo ra tính ứng dụng cao cho đề tài, tăng động lực và trách nhiệm cho người nghiên cứu. Ngoài ra, tôi xin bổ sung một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, nên tạo cho SV nhận thức nghiêm túc về NCKH là nghiên cứu để đóng góp ý tưởng hữu ích cho xã hội chứ không phải chỉ để có quyền lợi.

Thứ hai, trước khi quyết định đề tài đoạt giải nên để các tác giả trình bày đề tài của chính mình. Điều này sẽ tạo điều kiện để tác giả diễn đạt trọn vẹn tâm huyết của mình với đề tài và cơ hội đối thoại trực tiếp với Ban giám khảo sẽ gởi mở ra nhiều vấn đề khác. Đồng thời sẽ đánh giá chính xác kiến thức cũng như bản lĩnh bảo vệ quan điểm của chính  tác giả.

Thứ ba, có một điều dễ thấy rằng đầu tư thích đáng cho nghiên cứu ngốn không ít tiền bạc, thời gian và công sức. Do đó, để điều này không trở nên vô ích, các doanh nghiệp hay các tổ chức khác nên có một buổi nói chuyện và lựa chọn các bạn SV nghiên cứu về việc cải thiện doanh nghiệp hay tổ chức mình.

Tôi rất hy vọng rằng các đề tài NCKH của SV ngày càng hoàn hảo, đem lại những giải pháp thực tiễn về kinh tế-xã hội.

VŨ THỊ ÁNH TUYẾT

  • Cần tăng cường đầu tư nghiên cứu khoa học theo chiều sâu

Đề tài NCKH chỉ có giá trị khi nó được áp dụng vào thực tế cuộc sống. Do vậy, đề tài phải xuất phát từ sự đòi hỏi, bức bách, trăn trở của đời sống. Khi ra đời, đề tài phải giải quyết được một hoặc nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra. Điểm đặc biệt của đề tài NCKH là phải tìm ra cái mới, có ích cho xã hội.

Muốn có được những đề tài loại này đòi hỏi nhà nước cần tăng cường đầu tư NCKH theo chiều sâu. Vì sao? Vì để có được công trình NCKH chất lượng cao, giá trị lớn thì cần có hai yếu tố cơ bản: con người có kỹ năng và vốn. Hai yếu tố này không thể thiếu cho bất cứ công trình NCKH thành danh nào.

Thế nhưng, ở nước ta, nếu yếu tố con người được phát huy tối đa thì yếu tố vốn còn là một trở ngại rất lớn.Vốn nhà nước dành cho NCKH không nhiều, nhà khoa học phải làm việc trong điều kiện thiếu trước hụt sau, luôn lo nghĩ “cháy” vốn. Nhà khoa học không chuyên tâm làm việc sẽ làm cho giá trị của đề tài giảm hẳn.

Lâu nay, việc phát triển NCKH ở nước ta chỉ tiến hành theo chiều rộng. Ngành, nghề, lĩnh vực nào cũng tiến hành nghiên cứu theo kiểu phong trào. Điều này diễn ra trong tình hình nguồn vốn nhà nước dành cho NCKH rất nhỏ, lại phải phân bổ theo kiểu bình quân cho từng lĩnh vực là một nhược điểm rất lớn. Rốt cuộc kết quả thu được không được như mong muốn.

Do vậy, nên chăng, song song với việc triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học mà xã hội cần, cần phải tập trung nghiên cứu theo chiều sâu. Nếu thực hiện năm, bảy đề tài mà không có đề tài nào ứng dụng được vào thực tế thì chi bằng gom vốn đó đầu tư cho một đề tài, phát triển đề tài ở tầm cao hơn.

Tăng cường đầu tư NCKH theo chiều sâu có hai ý nghĩa. Trước hết, nó là loại đề tài được thực hiện công phu, vốn nhiều, phát triển dựa trên kỹ năng, kiến thức uyên thâm nên sẽ có ích  và áp dụng rộng rãi vào thực tế. Thứ hai, việc đầu tư có trọng điểm, phát triển theo chiều sâu sẽ tạo ra một số lĩnh vực nghiên cứu chủ lực, mũi nhọn, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực khác. Tăng cường đầu tư theo chiều sâu là cách rất tốt để giảm lãng phí, nâng cao chất lượng cũng như nhanh chóng áp dụng các đề tài NCKH vào thực tế.

VĂN ẢNH

Tin cùng chuyên mục