Sau nhiều năm phát triển, hoạt động của xe buýt ở TPHCM đang có dấu hiệu chựng lại, khi số lượng hành khách chuyên chở được có xu hướng “năm sau giảm hơn năm trước”. Đó là lý do để Báo SGGP và Sở GTVT TPHCM phối hợp tổ chức tọa đàm “Làm gì để xe buýt tiếp tục phát triển?” vào sáng 15-10.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm có sự góp mặt của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM; ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM; ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách và du lịch TPHCM; ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco); ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Vận tải Sở Giao thông Vận tải TPHCM; ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM.
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập Báo SGGP nhấn mạnh, hoạt động vận tải hành khách công cộng TPHCM đang rất cần những giải pháp hỗ trợ cụ thể để phát triển. Thời gian gần đây, xe buýt TPHCM phát triển có dấu hiệu chững lại... Với tư cách là báo Đảng, Báo SGGP có nhiệm vụ tham gia tổ chức diễn dàn, lấy ý kiến đóng góp cho hoat động của xe buýt phát triển.
Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Tổng biên tập Báo SGGP phát biểu khai mạc buổi tọa đàm
Ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM: Có cảm giác TPHCM chưa coi trọng phát triển vận tải hành khách công cộng, cụ thể là xe buýt trong thời điểm hiện nay là phương tiện giao thông chính của TPHCM. Kinh tế thị trường không có nghĩa là phát triển tự phát mà vai trò quản lý của Nhà nước là rất quan trọng. Với tư cách là người chủ trì cuộc tọa đàm, tôi đề nghị bám theo hai nhóm giải pháp: Kéo (hạn chế xe cá nhân), đẩy (đẩy phương tiện vận tải công cộng)...Tại sao xe buýt TPHCM khá bị lép vế khi đi vào đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất?...
Ông Nguyễn Trọng Hòa
Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Xe buýt TPHCM đã phát triển rất nhanh. Năm 2002 có 50 xe nay đã hơn 3000 xe buýt, phục vụ hơn 1 triệu lượt hành khách. Từ 2002-2010, xe buýt phát triển rất nhanh.
Từ 2010 đến nay, biểu đồ phát triển xe buýt đi ngang và có xu hướng đi xuống. Lý do: Xe buýt phụ thuộc vào 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, TPHCM và nhiều TP lớn của VN đều phụ thuộc vào xe máy (khoảng 90%). Thứ 2, cấu trúc đô thị không phù hợp với hoạt động của xe buýt. Thứ 3, thói quen đi lại của người dân.
Thời kỳ đầu từ 2002-2013: Đường rộng, người ít nên xe buýt hoạt động tốr. Xe buýt lớn loại 80 chỗ ngồi hoạt động tốt, chưa có ý kiến than phiền về xe buýt lớn. Từ 2013 đến nay, xe cá nhân phát triển nhiều, dân số tăng... hoạt động xe buýt bắt đầu khó khăn. Trong thẩm quyền, Sở GTVT nghiên cứu, đề xuất: Người dân phải thấy cái lợi khi đi xe buýt. Qua khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM và Sở GTVT cho thấy người dân không tiếp cận được xe buýt một cách thuận lợi. Cấu trúc đô thị của TPHCM không thuận lợi cho phát triển xe buýt. Người dân đi làm về còn phải đón con...
Tôi đề xuất: Xây dựng các điểm đón xe buýt cách nhau khoảng 300m trong nội đô và 500 m đối với khu vực ngoại ô để người dân đón xe buýt dễ hơn. Ngoài ra, sẽ đầu tư xe 12 chỗ ngồi dễ len lỏi vào các khu dân cư để đón khách. Còn một số nhóm giải pháp khác không thuộc thẩm quyền của Sở GTVT, đó là dành đất cho bến bãi xe buýt. Vừa qua Sở GTVT đã làm việc với các quận, huyện tìm đất làm bến bãi xe buýt. Tuy nhiên, hiện nay mới tìm được 80% so với nhu cầu và cũng mới chỉ ở trên giấy. Thiếu bến bãi, xe buýt khó đón khách, khó tách tuyến để tổ chức mạng xe buýt hợp lý hơn. Được sự chấp thuận của UBND TPHCM, Sở GTVT đang triển khai thẻ xe buýt thông minh. Sở GTVT coi đây là một trong những modun sẽ kết nối với hoạt động vận tải hành khách công cộng thông minh sau này. Tôi cho rằng, đối với TPHCM, không thể giải quyết vấn đề xe buýt một sớm một chiều...Việc phát triển xe buýt, bản thân Sở GTVT cũng gặp rất nhiều khó khăn... Điều này cần sự góp sức của người dân, các sở, ngành chức năng khác...
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Cái khó là có xe buýt mà không có đường đi. Đây là bài toán quản lý đô thị. Tại sao xin đất phát triển hệ thống vận tải công cộng thì không có, nhưng đất làm trung tâm thương mại thì có. Chúng ta phải nghiên cứu để xe buýt có đường chạy.
Ông Dương Hồng Thanh: Hiện nay xe buýt đang "bơi" trong dòng xe máy. Nhiều chuyên gia đề xuất phải có làn xe riêng cho xe buýt, và coi xe buýt là trọng điểm phát triển, vấn đề không chỉ là trợ giá (nếu có cơ chế kinh doanh tốt thì chi phí trợ giá sẽ giảm). Hiện nay, xe buýt phải đậu ở đầu đường góc chợ và bị đuổi, rất khổ. 60% đường ở TPHCM nhỏ hơn 7m, nếu dành đường cho xe buýt thì không còn đường cho xe khác.
Ông Dương Hồng Thanh
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Quản lý nhà nước là gì? Là chúng ta phải tập thói quen cho người dân, không thể cứ bày ra và đòi hỏi ý thức tự giác của người dân. Ví dụ như việc con cầm đũa tay phải hay tay trái là do người lớn dạy.
Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách và du lịch TPHCM: Tôi đồng ý với ý kiến của anh Hòa, đẩy xe buýt lên. Thời gian qua, tiền trợ giá đã tăng từ 40 tỷ lên 1000 tỷ, nhưng vẫn khẳng định là xe buýt đã phát trển tốt. Ở TPHCM, trước đây, đã có 4 tuyến đường dành riêng cho xe buýt, nhưng hiện nay đã bỏ hết. Để xe buýt phát triển, tôi vẫn tiếp tục đề xuất có đường riêng cho xe buýt. Ngoài ra, để xe buýt phát triển, tôi cho rằng vẫn phải có 2 giải pháp ngắn và dài hạn: Dần dần thay trợ giá trực tiếp như hiện nay thành trợ giá gián tiếp và tăng thu bằng các hình thức bán vé. Năm 2002, khi mới phát triển xe buýt, hình thức vé của TPHCM rất đa dạng, nhưng hiện nay chỉ còn 2 loại là vé tập và vé thường và chỉ có 20 điểm bán vé. Giải pháp dài hạn là chúng ta phải tăng thu bằng quảng cáo trên xe buýt, giảm chi bằng cách cắt những tuyến quá dài trên 30km, những tuyến ít khách thì bỏ hoặc thay xe lớn bằng xe nhỏ. Ngoài ra, phải nâng chất lượng phục vụ để thu hút khách, quan trọng nhất là có đường riêng cho xe buýt, có quỹ đất phù hợp để phát triển xe buýt.
Đồng thời phải thực hiện các biện pháp hạn chế xe cá nhân bao gồm cả ô tô và xe máy bằng cách tăng phí để dùng số tiền này nuôi xe buýt và duy tu bảo dưỡng đường.
Ông Lê Trung Tính
Ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX xe buýt TPHCM: Có 2 vấn đề về xe buýt:
- Để thu hút hành khách, thời gian chạy là rất quan trọng, hiện nay xe buýt chạy rất chậm, đi từ trung tâm TPHCM lên Thủ Đức chậm hơn quy định 30 phút.
- Vấn đề thứ 2 là an ninh, hiện nay, trạm chờ xe buýt rất mất an ninh, và trên xe thì có nhiều hiện tượng cướp, móc túi.
Ông Phùng Đăng Hải
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Tôi nghĩ nên dành 1 phần đường cho xe buýt trên Đại lộ Đông Tây.
Ông Dương Hồng Thanh: Hiện chúng tôi đã đề xuất trên một số tuyến đường như Nguyễn Hữu Cảnh, ...
Tôi đồng ý là hiện nay an ninh ở trạm chờ và trên xe buýt rất phức tạp. Chúng tôi đã có kế hoạch phối hợp với TNXPTP để giải quyết.
Tôi cũng đồng ý với anh Hải về hạn chế xe cá nhân nhưng xin nói thêm là việc này cũng cần có sự ủng hộ của các cơ quan ngôn luận.
Đại diện xe khách Sài Gòn: Có nhiều giải pháp để phát triển xe buýt như tăng chuyến, nâng cao chất lượng xe, chất lượng phục vụ để tăng hành khách.
Ông Dương Hồng Thanh: Qui hoạch 1/500 ở các đô thị mới thường không có phần qui hoạch cho xe buýt.
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Thực tế hiện nay, qui hoạch thường không đồng bộ, điểm dừng, nhà chờ thường lệch với các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... Tôi đề xuất sở GTVT phải có kiến nghị để giải quyết vấn đề trên.
Ông Dương Hồng Thanh: Khi liên hệ với địa phương, chúng tôi đều được trả lời là hết đất.
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Đây đúng là một sự thật đau lòng.
Đại diện xe khách Sài Gòn: Chúng tôi kiến nghị được đổi xe buýt mới với chi phí hỗ trợ nhiều hơn nữa, để thay đổi bộ mặt xe buýt và đón đầu hệ thống thẻ thông minh.
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Tôi nghe nói có hiện tượng xe buýt buộc phải quay đầu nhanh nên dễ gây tai nạn.
Ông Dương Hồng Thanh: Các tài xế xe buýt hiện nay hoàn toàn không có áp lực buộc phải quay đầu nhanh, thời gian xuất bến và về đều có quy định rõ ràng, không được sớm hay trễ.
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Lương tài xế xe buýt hiên nay là bao nhiêu, có áp lực gì khác đối với các tài xế hay không?
Đại diện xe khách Sài Gòn: Lương tài xế xe buýt hiện nay khoảng 8 đến 10 triệu/người/tháng. Có một áp lực lớn hiện nay là mật độ xe quá lớn trong thành phố khiến các tài xế khó lưu thông, xe chỉ chạy được khoảng số 2 hoặc 3, khiến xe bị giật và rất mệt mỏi vì phải di chuyển rất chậm.
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Chúng ta thấy có 3 vấn đề là bến đỗ, làn đường cho xe buýt và hạn chế xe cá nhân.
Ông Dương Hồng Thanh: Bộ GTVT đã có đề án hạn chế xe cá nhân, nhưng bị áp lực dư luận và nay phải đổi thành phát triển hợp lý các loại xe. Đề án này đang được giao cho TPHCM nghiên cứu.
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Để phát triển giao thông công cộng, đề nghị Sở GTVT tiếp tục đề xuất đưa vấn đề này vào chương trình trọng điểm của thành phố, trong đó, phải đặc biệt chú ý hạn chế xe cá nhân.
Ông Nguyễn Thành Lợi: Thực tế hiện nay, công luận có cái nhìn rất khắt khe đối với xe buýt. Nếu thất bại trong việc hạn chế xe cá nhân sẽ rất khó phát triển xe công cộng.
Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Vận tải Sở Giao thông Vận tải TPHCM: Hiện nay, việc đưa xe buýt vào các trung tâm thương mại, khu vui chơi,... rất khó. Ví dụ: Khi chúng tôi đề xuất phối hợp với Suối Tiên để làm trạm xe buýt phía sau Suối Tiên nhằm tránh kẹt xe trên Xa lộ Hà Nội, nhưng bên Suối Tiên không đồng ý, bắt buộc xe buýt phải đậu phía trước Suối Tiên gây ùn tắc giao thông. Hoặc như chuyện xe buýt vào sân bay rất khó, hành khách phải đi một đoạn rất xa từ điểm dừng xe buýt đến phòng chờ sân bay.
Ông Phạm Đình Đức
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Những vấn đề này cần phải báo cáo người đủ thẩm quyền để xử lý.
Ông Dương Hồng Thanh:
- Tóm lại, chúng ta phải tăng cường an ninh tại trạm chờ và trên xe buýt, có đường riêng cho xe buýt, tăng điểm dừng, nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển cả về chất và lượng xe buýt. Và vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đối với phát triển xe công cộng là hạn chế xe cá nhân.
- Đã đến lúc phải có lộ trình cụ thể, như: Hạn chế gia tăng phương tiện, hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông ở một số khu vực.
- Đặc biệt, tuyến xe cho sinh viên đi học chạy rất vòng vèo, cần phải điều chỉnh lại để không ảnh hưởng đến việc học tập của các em.
- Phát triển xe điện đến các khu trung tâm để phục vụ người dân.
Ông Nguyễn Trọng Hòa: Trong buổi tọa đàm này, tôi thấy có các giải pháp hay, như:
- Dành một số tuyến đường, bến bãi cho xe buýt ở các khu vui chơi, bệnh viện, trường học...
- Giải pháp lâu dài là phải điều chỉnh quy hoạch, phát triển đồng bộ, không tản mát để giúp phương tiện công phục vụ tốt hơn.
- Về mặt công nghệ, việc gì làm được phải làm ngay.
Buổi tọa đàm đến đây kết thúc, cám ơn các vị khách mời và bạn đọc đã quan tâm theo dõi.
| |
SGGPO
Ảnh: Cao Thăng