Làm gì khi bị giãn tĩnh mạch chân?

(SGGPO).-
Làm gì khi bị giãn tĩnh mạch chân?

(SGGPO).- Chắc hẳn trong số chúng ta đã có không ít lần cảm thấy đau chân, nặng chân hoặc bị chuột rút. Đó có thể là những triệu chứng thoáng qua, nhưng nếu triệu chứng đó xuất hiện thường xuyên, thì bạn cần nghĩ ngay đến một bệnh lý ít được mọi người quan tâm và chú ý, là bệnh lý Suy giãn tĩnh mạch.

Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý như thế nào? Nó có nguy hiểm hay không? Và đâu là nguyên nhân gây bệnh? Chương trình tầm soát Suy tĩnh mạch mạn tính miễn phí tại các bệnh viện ở TPHCM và Hà Nội trong tháng 7 và tháng 8-2016 vừa cung cấp cho hơn 2.000 người bệnh những thông tin về bệnh lý cũng như phương pháp điều trị vô cùng hữu ích.

Giãn tĩnh mạch chân ở nữ giới thường gặp nhiều hơn so với nam giới. Đây là tình trạng suy yếu chức năng của các tĩnh mạch ở chân, tức là việc dẫn máu về tim không còn hiệu quả nữa, gây ứ đọng máu ở phần thấp của chân và lan lên dần.

Chia sẻ tại chương trình tầm soát Suy tĩnh mạch mạn tính, PGS-TS-BS Lê Nữ Thị Hòa Hiệp, nguyên giảng viên bộ môn Ngoại, Trường ĐH Y Dược TPHCM, cho biết: Suy giãn tĩnh mạch chân là căn bệnh mạn tính xảy ra ở cả nam và nữ, trong đó nữ giới chiếm số đông hơn. Thống kê của các nghiên cứu dịch tễ học thế giới ghi nhận, khoảng 30-40% dân số trưởng thành mắc bệnh này. Nhưng có đến trên 70% người mắc bệnh nhưng không biết mình bị bệnh tại Việt Nam. Do đó, ngay bây giờ chúng ta nên tìm hiểu các triệu chứng giãn tĩnh mạch chân để biết cách phòng ngừa và phát hiện bệnh kịp thời.

Tại hội thảo về giãn tĩnh mạch chân ở Bệnh viện Tân Phú, TPHCM, cô Thanh Hương (70 tuổi, quận Tân Phú, TPHCM) kể: Khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều đêm liền cứ ngủ được 1-2 tiếng là 1 trong 2 chân của cô thay nhau tê cứng, có lần không thể ngủ nổi. Cô đã phải dậy xoa bóp chân theo phương pháp massage mà chỉ là giải pháp tức thì lúc đó chứ không khỏi được bệnh tê chân. Cô thấy càng ngày bệnh chân càng nặng vì thường xuyên bị chuột rút giữa đêm hoặc bị nặng chân khó có thể ngủ được.

Một trường hợp khác là chị Đan Thanh (45 tuổi, quận 12, TPHCM). Là nhân viên văn phòng của một công ty luật, chị Thanh cảm nhận rõ rệt gần đây chân bị phù ở mắt cá chân, khi mang giày thì cảm giác chật hơn bình thường, các mạch máu nổi lên trên da và có hiện tượng thành từng búi.  Chị Thanh có kiểm tra độ phù bằng cách ấn ngón tay vào và xuất hiện vết lõm của ngón tay trên da. Qua tìm hiểu, chị Thanh nghi ngờ mình bị Suy giãn tĩnh mạch chân nên đã đi khám tầm soát.

Hai trường hợp nêu trên chỉ là những ví dụ rất nhỏ từ hàng trăm bệnh nhân, đa phần trong đó là phụ nữ các độ tuổi đến thăm khám tại Bệnh viện Tân Phú.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch

Theo PGS-TS-BS Lê Nữ Thị Hòa Hiệp, Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý khá phổ biến. Một điều đáng quan tâm là do lối sống hiện đại ngày nay, tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa, Suy giãn tĩnh mạch ngày càng xuất hiện nhiều ở người dưới 20 tuổi. Bệnh thường xảy ra ở những người làm công việc hay nghề nghiệp đòi hỏi ngồi nhiều, đứng lâu, ít vận động như giáo viên, nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, tài xế, thợ làm tóc… Dù không gây tử vong nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, khả năng lao động cũng như tiền bạc của người bệnh vì bệnh kéo dài chi phí điều trị cao.

Những triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch

Triệu chứng giãn tĩnh mạch chi dưới ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt, lúc ẩn lúc hiện. Người bệnh có biểu hiện như châm chích ở chân, mỏi chân, đau chân, nặng chân khi đứng lâu, ngồi nhiều. Vào đêm có hiện tượng vọp bẻ, cảm giác kiến bò cẳng chân. Lúc này các mạch máu chưa nổi lên nên chúng ta thường lờ đi, và suy nghĩ rằng: nghỉ ngơi rồi sẽ khỏe lại. Mới đầu, người bệnh có thể thấy những hình mạng nhện màu đỏ hoặc màu tím xanh ở bắp chân. Khi bệnh nặng hơn, máu bị ứ trệ ở chân khiến người bệnh có cảm giác khó chịu ở chân: căng tức ở bắp chân, mỏi chân... và có các biểu hiện của hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu). Nặng hơn nữa thì chân bị thay đổi màu sắc da, loạn dưỡng và chàm hóa da. Nhiều trường hợp không được điều trị, chân sẽ bị loét, thường là ở cổ chân. Bệnh dễ dẫn đến biến chứng như hình thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch giãn, có thể lan lên phổi gây tắc động mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong. Sưng, mỏi chân; nặng bắp chân; kiến bò dọc cẳng chân; chuột rút ban đêm có thể là những biểu hiện của bệnh giãn tĩnh mạch chân. Tuy nhiên, nhiều người lại không chú tâm đến nó mà chỉ nghỉ mỏi chân vì đi cả ngày, đôi giày quá chật...

Suy giãn tĩnh mạch là một bệnh lý tiến triển, và ở các giai đoạn nặng hơn của bệnh thì thường khó điều trị, chi phí cao. Loét do tĩnh mạch xảy ra trên 0,3% dân số ở các nước phương Tây nhưng tỷ lệ chữa lành chỉ là 1%. Hơn nữa, suy tĩnh mạch là bệnh lý mạn tính nên thời gian điều trị cần phải lâu dài.

Là chuyên gia về lĩnh vực này, PGS-TS-BS Lê Nữ Thị Hòa Hiệp khuyên rằng, việc điều trị Suy giãn tĩnh mạch chân cần phải được duy trì lâu dài, kết hợp việc thay đổi lối sống và dùng thuốc đúng để điều trị, để ngăn ngừa bệnh không tiến triển đến giai đoạn nặng hơn. Hãy biết bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đôi chân thông qua chế độ ăn uống, luyện tập và sinh hoạt trong đời sống hàng ngày để loại bỏ nguy cơ bị suy tĩnh mạch!

* Chương trình tầm soát Suy tĩnh mạch mạn tính miễn phí được tổ chức tháng 7 và tháng 8-2016 tại Hà Nội trong các bệnh viện Bạch Mai, Tim Hà Nội, Saint Paul; tại TPHCM trong các bệnh viện Chợ Rẫy, Trưng Vương, 115, Nhân dân Gia Định, quận Tân Phú. Với thông điệp “Hãy biết yêu đôi chân bạn”, chương trình hướng con người đến một cuộc sống lành mạnh. Ở mỗi nơi chương trình diễn ra đều làm gia tăng nhận thức người dân về bệnh Suy tĩnh mạch mạn tính. Việc tầm soát sớm bệnh suy tĩnh mạch giúp người dân điều trị bệnh kịp thời và hiệu quả.

P.V.

Tin cùng chuyên mục