Ở Rome (Italia), đi đâu người ta cũng gặp cửa hàng của người Bangladesh. Giống như các quán cà phê điển hình của Italia, giờ đây, các cửa hàng có chủ là người Bangladesh đã trở thành một phần của Rome.
Những cửa hàng này chủ yếu bán các loại rau, củ cơ bản. Và quan trọng hơn cả, cửa hàng do người Bangladesh mở tất cả các ngày trong tuần kể cả chủ nhật, thời điểm mà hầu hết cửa hàng lớn tại Italia đều còn đóng cửa. Nhờ những cơ sở kinh doanh nhỏ, cộng đồng người nhập cư Bangladesh đã có một vị trí ở Italia mà không cộng đồng người nhập cư nào có được. Bằng sự cần cù, chăm chỉ của mình, người nhập cư Bangladesh đã tiếp quản một phân khúc trong kinh tế Italia, được đánh giá cao, không chỉ của khách hàng người Bangladesh mà còn của cả người Italia.
Làn sóng di cư ở Bangladesh bắt đầu hình thành từ năm 1971. Hồi đó, giá dầu mỏ tăng cao trong những năm 1970 thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa tại khu vực Trung Đông phát triển mạnh, tạo nên một hệ thống di cư mới, thu hút hầu hết những lao động ở khu vực Bắc Phi, Nam và Đông Nam Á. Còn hiện nay, nghèo đói và tỷ lệ thất nghiệp cao là nguyên nhân khiến nhiều người Bangladesh quyết định di cư. Amit, phụ việc tại cửa hàng rau ở một quận phía Nam của Rome, cho hay anh không tìm được việc ở Bangladesh. Khi nghe người dì của mình nói về các cơ hội việc làm ở Italia, Amit không chút lưỡng lự, rời bỏ quê nhà. Tiến sĩ Mizanur Rahman, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về di cư của Đại học quốc gia Singapore, cho hay rất nhiều đàn ông Bangladesh ra nước ngoài chỉ với mong muốn giúp gia đình thoát cảnh túng quẫn.
Ngoài ra, thêm một lý do nữa cần phải nói đến, đó là điều kiện làm việc tại Trung Đông ngày càng khắc nghiệt nên người Bangladesh tìm đến châu Âu. Hầu hết, họ đến Italia bằng con đường bất hợp pháp. Từ một nhóm nhỏ khoảng 300 người Bangladesh đến Rome vào cuối năm 1989, chỉ trong vài tháng sau đó, cộng đồng người Bangladesh sinh sống tại thủ đô của Italia đã tăng lên khoảng 20 lần. Từ đó đến nay, cộng đồng này không ngừng phát triển. Theo ghi nhận của Cơ quan thống kê Italia, vào năm 2009, 11.000 người Bangladesh sinh sống tại Italia, còn con số mới nhất là hơn 100 ngàn người.
Lý do nữa khiến đất nước hình chiếc ủng hấp dẫn di dân là việc kiểm soát đầu vào nhập cư lỏng lẻo và có những điều luật cho phép để hợp pháp hóa người di cư. Năm 1990, Italia công bố điều luật tên gọi Martelli hợp pháp hóa người di cư, khuyến khích người di cư vào Italia. Nhờ điều luật này, 217.000 di dân trái phép thời điểm đó đã được phép nhập cư vào quốc gia châu Âu.
Họ đến châu Âu mang theo giấc mộng đổi đời. Như Amit, kế hoạch của anh là làm việc ở Rome, dành dụm được một khoản tiền kha khá rồi trở về quê nhà. Theo Amit, số tiền anh tiết kiệm ở Rome đủ sức cho anh có một cuộc sống sung túc ở Bangladesh. Amit kể trong số tiền kiếm được, anh chỉ dùng một phần cho chi tiêu cá nhân, còn đâu, anh vẫn gửi về Bangladesh cho bố mẹ và gia đình hàng tháng. Còn rất nhiều những người dân Bangladesh khác tại Italia có cùng chung suy nghĩ như Amit. Theo Ngân hàng Trung ương Bangladesh, trong giai đoạn từ năm 2000-2010, số tiền người dân nước này ở Italia gửi về quê nhà gần 1 tỷ USD.
MINH CHÂU