Làm gương cho con

ĐẶNG TRUNG THÀNH

Như đã thông báo trước, chủ nhật tuần rồi tôi dẫn lớp mình đi tham quan công viên. Phải nói chuyến đi thành công mỹ mãn, các em được học nhiều điều hay, mới. Tuy nhiên có một điều làm tôi băn khoăn.

Lớp tôi có một cậu học giỏi nhưng rất tinh nghịch. Khi đoàn vừa ăn trưa xong bước ra khỏi quán, cậu học sinh này đã cầm chiếc cốc sứ khoe với bạn bè. Tôi thấy lạ nên hỏi chiếc cốc này ở đâu ra thì cậu học trò trả lời tỉnh bơ: “Em lấy nó trong quán ăn vừa rồi”.

Tôi thảng thốt vì thái độ em tỉnh như sáo, không chút bối rối vì lấy trộm đồ của người khác. Buổi tham quan bị gián đoạn. Tôi dẫn em trở lại quán trả đồ cho cô chủ và bắt khoanh tay xin lỗi. Dù thái độ khó chịu hiện ra trên gương mặt nhưng cậu học trò bướng bỉnh vẫn làm theo. Rời quán, tôi nhẹ nhàng hỏi: “Sao em lại lấy đồ của người khác? Chẳng phải nhà trường và ba mẹ luôn dạy em phải thật thà, không ăn cắp hay sao?”.

Cậu bé trả lời gọn lỏn: “Tại em thấy mẹ hay làm thế!”. Rồi em kể đôi lúc mẹ chở em vào quán ăn, mỗi lần bước ra mẹ hay lấy một thứ gì đó trong quán: khi thì muỗng, nĩa, lúc thì ly uống nước... Tôi ân cần: “Như thế người ta bảo là ăn cắp. Lần sau đừng làm như thế nữa. Những gì không phải của mình thì không được tự ý lấy mà phải hỏi xin hoặc mượn chủ nhân của món đồ đó, dù giá trị không đáng là bao”.

Đến quầy mua vé vào xem phim 3D, cũng vẫn cậu học trò nghịch ngợm này đã vung tay, định đánh vào đầu bạn. Nhưng may có thầy tổng phụ trách trường nhìn thấy, kịp thời ngăn lại. Nguyên nhân là học sinh kia vô tình giẫm trúng chân cậu bé nên cậu tính đáp trả.

Để buổi xem phim được trọn vẹn nên tôi tạm cho qua. Ra khỏi rạp, lúc ngồi uống nước, tôi gọi em lại và hỏi: “Sao em lại tính đánh bạn”. Cậu học trò trả lời: “Tại nó đạp vào chân em làm em đau”. Để xoa dịu nỗi đau, tôi xoa lưng an ủi: “Thầy biết, bạn đã làm em đau. Nhưng bạn không cố ý gây ra điều đó. Cả hai học chung lớp, đều là bạn thân nên phải hòa đồng, bỏ qua mọi chuyện không tốt để vui vẻ như anh em một nhà. Đánh nhau không phải là cách giải quyết tốt nhất mà phải hòa bình. Thầy nghe nói em có học võ vào buổi tối, nhưng học võ là để bảo vệ sức khỏe, để tự vệ chứ không được gây sự đánh nhau. Giờ đi lại bắt tay làm hòa với bạn đi”. Bên bàn kia, thầy tổng phụ trách cũng đang dùng “chiến thuật tâm lý” để em kia chịu giảng hòa.

Sau đó, tôi đã mời ba mẹ của học trò tinh nghịch đó lên trường trò chuyện. Thoạt đầu họ còn chống chế nhưng khi tôi nói: “Em đã nói học được tính đó từ chị”, lúc đó mẹ cậu bé mới xụ mặt nhận ra lỗi của mình.

Họ không ngờ cậu con trai học giỏi của mình lại có hạnh kiểm không tốt. Riêng tôi, lại lo tính xấu của thằng bé sẽ tiếp diễn, nếu như cha mẹ bé vẫn không thay đổi cách sống. Nhưng tôi hy vọng, họ đã nhận ra được mức độ nghiêm trọng khi con cái học theo tính xấu của mình như thế nào. Và từ đó, họ sẽ là người tốt để làm gương sáng cho con noi theo.


ĐẶNG TRUNG THÀNH

Tin cùng chuyên mục