Làm lại…

Ông Trần Bảy mười năm trước khi còn dưới trướng ông Lê Bửu từng bị trách móc nặng nề chỉ vì câu nói bóng đá Việt Nam phải làm lại từ đầu. Bây giờ, khi vụ án này xảy ra cùng với vụ án hối lộ trọng tài, nhiều người lại thốt lên “Phải chấp nhận chịu đau, phải xóa đi làm lại…”.

 
Làm lại… ảnh 1

Khám xét nhà Quốc Vượng ở phường Đội Cung, TP Vinh

Hôm qua, trao đổi với chúng tôi, ông Bảy lại nhắc đến câu nói mà ông từng trả lời phỏng vấn của chúng tôi 10 năm trước và giải thích thêm: “Nói làm lại từ đầu không có nghĩa là phủ nhận quá khứ và phủi tất cả những gì mà những thế hệ trước đã làm được, nhưng cái chính ở đây tôi muốn đề cập là cơ chế, là cách làm mà chúng ta đã 10 năm rồi nhưng vẫn không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn. Tôi không chấp nhận kiểu làm 10 năm sau cuối cùng lại trở về vạch xuất phát…”.

Cái thời mà ông Bảy nói về vạch xuất phát cũng chính là cái thời mà bóng đá Việt Nam bắt đầu kiếm được tiền và chuyển sang là bầu sữa mà nhiều người cùng vắt. Hồi ấy, chỉ có một Strata thao túng nhưng đã mang đến cho bóng đá Việt Nam nhiều nguồn lợi. Có tiền cho việc thuê thầy ngoại, có tiền cho những chuyến tập huấn, cho các khoản thưởng và có tiền cho cả việc trả lương, bồi dưỡng cho cầu thủ.

Khác hẳn với kiểu năm 1991 có những 11 cầu thủ bỏ về vì ăn không ra ăn, tập chẳng ra tập, thế mà cũng nói đấy là một đội tuyển. Lại càng khác với kiểu năm 1993 đá cả SEA Games lẫn vòng loại World Cup nhưng mạnh HLV HLV đi buôn và mạnh cầu thủ cầu thủ mang đầu máy về sang tay kiếm lời.

Ở cái vạch xuất phát đó, bóng đá Việt Nam cũng bắt đầu xâu xé nhau với cái kiểu quan niệm “Chúa ở văn phòng 2” vì văn phòng 2 chi phối chuyện tiền bạc sữa mẹ?

Những cuộc đấu đá hồi đấy không vì cái chung nhưng cái được mà vị nào cũng tự hào đó là có một chiếc huy chương bạc mà cả nước hằng mơ ước.

Hồi ấy nhiều người có trách nhiệm không nghĩ đến chuyện làm bóng đá tử tế mà nghĩ đến chuyện làm thế nào có huy chương để dân sướng và để có thể quên đi và che đi những bê bối tồn tại.

10 năm sau cũng là bóng đá tiền với cái khoản thưởng kếch xù và kỷ lục để cầu thủ lấy đấy làm động lực.

10 năm sau người ta vẫn nghĩ đến chuyện khắc phục yếu tố chuyên môn bằng tiền thưởng, bằng những miếng võ tài chính để nhử cầu thủ sung và để chống bán độ.

Nhưng không ai ngờ khi tất cả vỡ lẽ ra rằng chỉ một trận bán và tiền mồi cho mỗi cầu thủ chỉ là 20 triệu thế mà họ vẫn bán. Bán cho cái gọi là để có thêm thu nhập vì đàng nào cũng thắng và cũng vào bán kết (lời khai của Vượng và Quyến khi ở trại giam).

Vạch xuất phát mà ông Bảy nhắc đến còn là cách làm và cách đổ thừa lòng vòng vốn là thói quen.

Chuyện giáo dục tư tưởng đạo đức cầu thủ vốn là chuyện mà lâu lắm lắm rồi mọi người vẫn bàn. Đấy cũng là chuyện mà lên đến bóng đá chuyên nghiệp và khi cần bóng đá thành tích người ta sẵn sàng bỏ qua cái gọi là thẩm tra, là sàng lọc cầu thủ.

Mặt bằng cầu thủ thiếu trong khi tiền đổ cho bóng đá lại quá nhiều, thế là chỉ mỗi chuyện giữ cầu thủ xấu hay không dám xử cầu thủ vi phạm đã là chuyện của cả làng.

Những lời hô hào ấy ai cũng lên tiếng được nhưng bắt tay vào thì lại lẩn tránh.

Làm lại! Cần thiết thật nhưng cái chính không phải là làm thế nào mà là con người nào để làm.

Cái cơ bản nhất là con người thì 10 năm qua chúng ta vẫn thiếu.

NGUYỄN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục