Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (Integrated Pests Management - IPM) là hệ thống quản lý dịch hại căn cứ vào môi trường và điều kiện sinh thái cụ thể, sự biến động quần thể sinh vật gây hại cũng như quần thể thiên địch có lợi cho cây trồng (ếch nhái, rắn, chim, ong, bọ rùa, nhện...) để sử dụng các biện pháp thích hợp giúp khống chế sinh vật gây hại dưới ngưỡng gây hại kinh tế. Năm 1992, dưới sự tài trợ của FAO (Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc) lần đầu áp dụng chương trình IPM trên cây lúa, giúp sử dụng các loại vật tư nông nghiệp tiết kiệm, cân đối, hiệu quả như sử dụng phân bón các loại cân đối hơn (giảm phân đạm, tăng phân lân và kali); gieo cấy mật độ vừa phải, nên giảm lượng giống; cây trồng phát triển khỏe, tăng sức chống chịu; giảm gần nửa số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), cũng như giảm khoảng 40% lượng thuốc. Nhờ đó năng suất tăng thêm 9% - 17%.
Tương tự, sau này khi áp dụng trên cây rau số lần phun xịt và lượng thuốc BVTV giảm phân nửa. Chương trình IPM không chỉ góp phần nâng cao trình độ nông dân mà còn góp phần đắc lực vào việc sản xuất nông nghiệp bền vững. Ngày nay, để được chứng nhận VietGAP khi trồng các loại rau, củ, quả an toàn, phải sử dụng phần lớn kiến thức từ IPM.
Tiến sĩ Võ Mai, nguyên Cục phó Cục BVTV, người trực tiếp điều hành IPM phía Nam lúc đó cho biết, đầu thập niên 1990, FAO chọn ra một số quốc gia điển hình để áp dụng IPM trên cây lúa. Lúc đó, FAO đào tạo lực lượng giảng viên IPM làm hạt nhân cho mỗi nước trở về giảng dạy và mở rộng từ các điển hình theo kiểu nông dân là kỹ sư đồng ruộng và nông dân dạy nông dân. Việt Nam lúc đó cử 35 cán bộ BVTV cả nước tham gia chương trình này. Nhờ sự hỗ trợ nguồn lực của FAO, việc giảng dạy, đào tạo và mở rộng mô hình IPM đã được tổ chức bài bản và nghiêm túc, mang đến nhiều hiệu quả cụ thể. Nông dân trồng lúa có kiến thức nhiều hơn về chuyên môn như nhận biết côn trùng có lợi (thiên địch), thường xuyên thăm đồng để nắm tình hình và diễn biến côn trùng gây hại cũng như quan sát quần thể thiên địch để đưa ra biện pháp xử lý. Nếu dưới ngưỡng cho phép thì để quần thể thiên địch xử lý côn trùng gây hại, nếu vượt ngưỡng mới phun xịt thuốc. Nhưng điều quan trọng là việc phun xịt phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc và đúng cách). Với sự hỗ trợ của FAO, IPM đã được mở rộng ngày càng nhiều trên diện tích lúa, cây trồng chủ lực cả nước. Lúc đó, Tiến sĩ Heong, đại diện FAO đến Việt Nam nhận xét, Việt Nam là quốc gia triển khai và thực hiện IPM bài bản và áp dụng hiệu quả nhất trong các nước cùng tham gia. Sau đó, IPM được mở rộng ra cây rau, cây ăn trái…
Giai đoạn đầu, từ năm 1992 FAO tài trợ hoàn toàn kinh phí cho Việt Nam để triển khai IPM. Đến năm 1996 kết thúc, chuyển qua IPM cộng đồng tại Thái Bình, Cần Thơ và Hậu Giang với một phần kinh phí đối ứng từ Việt Nam đã tạo ra sự lan tỏa đáng kể việc áp dụng IPM trên cây trồng. Rất tiếc, sau khi kết thúc giai đoạn tài trợ năm 2000, do không có kinh phí duy trì nên chỉ tỉnh nào đủ khả năng mới hỗ trợ ngân sách để duy trì. Vì vậy, sau đó IPM dần dần lắng xuống… Lớp giảng viên (cán bộ nguồn) 35 người đầu tiên bị mai một dần. Giờ đây, theo Cục BVTV, không còn ai do phần nhiều đến tuổi nghỉ hưu hoặc chuyển qua công ty kinh doanh.
Trước tình hình lạm dụng thuốc BVTV, cũng như xu thế mất an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn thế giới, năm 2015 Bộ NN-PTNT có văn bản đề nghị các tỉnh thành lập lại IPM trên cây trồng và tự xây dựng kinh phí, nhưng các tỉnh đều gặp khó. Hiện nay Bộ NN-PTNT rất quyết tâm với chương trình này và hy vọng năm 2019 sẽ triển khai. Cũng như tiến hành tiếp các chương trình như 3 giảm, 3 tăng từ năm 2000 đến 2006, không phun thuốc BVTV trước 40 ngày sau sạ; hay 1 phải 5 giảm; và công nghiệp sinh thái từ năm 2010, trồng hoa trên bờ ruộng, tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch và thu hút sâu bệnh.
Các địa phương cho rằng, muốn làm như trước đây cần phải đào tạo bài bản lớp giảng viên ban đầu. Dự kiến Bộ NN-PTNT vay vốn từ tổ chức nước ngoài để thực hiện. Nhưng rút kinh nghiệm IPM đợt đầu khi đưa những người lớn tuổi hay “rảnh rỗi” để đi học làm giảng viên IPM. Nói theo các địa phương, phải làm lại từ đầu! Trước tiên là đào tạo cán bộ giảng viên, những người này phải giới hạn trong độ tuổi nhất định cũng như có kỹ năng thuyết trình trước đám đông để có thể làm việc lâu dài.
Tiếc cho một chương trình đã được triển khai rất sớm, đúng hướng đã không được tiếp tục! Nếu chương trình IPM trên cây lúa, sau đó mở rộng ra rau, củ, quả... được tiếp tục duy trì đến nay, có thể nói về cơ bản việc canh tác đã giải quyết được bài toán an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, môi trường không bị ô nhiễm, cũng như cho việc xuất khẩu. Tệ nạn lạm dụng thuốc BVTV không có điều kiện xảy ra, cũng như không phải khó khăn mở rộng diện tích theo chương trình VietGAP... như hiện nay khi việc ứng dụng IPM có thể đã đi đến đích cuối cùng, ứng dụng chương trình IPM trên hầu hết các loại cây trồng.