Chỉ trong chưa đầy 10 năm, Hoàng Công Danh đã kịp gây ấn tượng với bạn đọc, nhất là ở thể loại truyện ngắn. Không quá lời khi nhận định, anh là một trong những tác giả nổi bật và đáng đọc của thế hệ 8X. Có một sự thú vị khi tìm hiểu về hành trình đến với văn chương của nhà văn trẻ này. Vừa xong lớp cử nhân Vật lý chất lượng cao khóa 2 của Đại học Huế, Công Danh đi du học tại Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Belarus ở Minsk. Trở về nước, anh không theo đuổi nghề được đào tạo mà chuyển sang văn chương.
Thời gian đầu, khi hay tin Công Danh rẽ ngang sang văn chương có không ít lời bàn tán. Người ủng hộ nhiều, nhưng cũng không hiếm người tỏ vẻ ngạc nhiên. Công Danh bảo, anh không bận tâm chuyện gì quá lâu, kể cả chuyện nghề nghiệp, bởi người ta có rất nhiều thứ để học, rất nhiều việc có thể làm. Học một lĩnh vực, suy cho cùng cũng chẳng phải chuyện gì to tát, nên nếu không làm đúng ngành mình học nữa cũng là chuyện thường tình. “Văn chương với tôi bây giờ là để “sống”, theo nhiều mặt: lao động chữ nghĩa để có tiền mà sống; đọc viết để hiểu thêm về cuộc sống; tư duy cảm xúc để có năng lượng tinh thần. Không đọc không viết thì thấy người mệt, ức chế”, Công Danh chia sẻ.
So với các tập trước, có thể xem Con tim Stockholm là cuộc làm mới mình của Công Danh. Vẫn là những truyện ngắn được kể với giọng điệu nhẩn nha, điềm tĩnh nhưng ở trong đó có thêm sự huyền ảo, chút siêu thực và thậm chí là phi lý. Đặc biệt, mối bận tâm của Công Danh giờ đây đã không còn dừng ở hiện thực của đời sống mà có sự mở rộng hơn với không gian mạng, về tương lai của loài người với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo, mà truyện ngắn A.I là một ví dụ. “Truyện ngắn này là một tác phẩm đa văn bản và tôi đã đọc một văn bản tác động tới tôi mạnh nhất. Đó là văn bản chứa đựng một cảnh báo đáng sợ về tương lai. Cảnh báo về một ngày có một thứ có thể thay con người, biết được mọi bí mật bên trong của con người…”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Trong khi 7 truyện đầu có dung lượng vừa phải thì truyện cuối cùng Uống nước lã mà sống lại có dung lượng tương đương một truyện dài. Đây có lẽ là truyện “nặng ký” nhất của tập và cũng là món quà thú vị Công Danh gửi tới bạn đọc sau khi đã khẳng định được phong cách lẫn sự đặc sắc ở thể loại truyện ngắn. Anh cho biết: “Người viết phải đổi mới để bạn đọc không chán mình, tôi muốn qua tập này thăm dò sự đón nhận của bạn đọc như thế nào. Kể cả truyện ngắn “tương đối dài” ở cuối sách cũng là một sự thăm dò”.