Làm ngay những việc nhỏ

Làm ngay những việc nhỏ

Để đề xuất giải pháp chống kẹt xe, phần lớn các ý kiến tập trung vào hai vấn đề cốt lõi: Mật độ xe lưu thông trên đường quá đông và ý thức của một số người tham gia lưu thông còn kém. Chống ùn tắc giao thông là vấn đề vĩ mô, cần giải pháp mang tính toàn cục. Tuy nhiên có những vấn đề có thể giải quyết tức thì, xử lý nghiêm những vi phạm quy định về quản lý đô thị thì cũng giúp giải quyết được phần nào tình trạng ùn tắc giao thông, như một số việc dưới đây.

Hiện nay số lượng taxi quá nhiều, vượt quá nhu cầu, nhiều người cho là loạn taxi, dẫn đến tình trạng ở đâu cũng là bãi đậu taxi gây cản trở giao thông, có khi còn gây phiền phức cho cư dân cả một khu vực, như khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất (phường 2 quận Tân Bình). Là phương tiện vận tải công cộng nhưng taxi có sức chở chẳng bao nhiêu, vì vậy ngay bây giờ nên hạn chế số lượng hãng và xe taxi.

Ở thành phố, nơi nào cũng có các chợ tự phát lấn chiếm buôn bán đến tận lòng đường, chính quyền sở tại phải mạnh dạn dẹp bỏ. Thực ra các chợ tự phát chỉ hình thành từ những ý nghĩ “cơ hội”, tiện thì ngồi bán, tiện thì đứng mua, thậm chí mua bán cả trên cầu, các vườn hoa, các giao điểm lưu thông... Rồi thêm tình trạng các công trình thi công khác nhau cùng một điểm khiến việc đào lên lấp xuống liên tục, tại sao các nhà quản lý không cùng nhau thống nhất một phương án thi công để vừa đỡ tốn tiền thuế của dân vừa ít gây ảnh hưởng đến giao thông. Các loại xe 3 bánh đã có lệnh cấm, thu hồi và người hành nghề xe 3 bánh đã được chính quyền hỗ trợ vốn để chuyển đổi nghề, vậy mà nay vẫn thấy xe 3 bánh trên đường từ trung tâm đến vùng ven.

Xe buýt lớn như hiện nay bị dư luận phản ứng nhiều bởi nó khó luồn lách, chiếm diện tích mặt đường lớn, quay vòng ít, là nguyên nhân xảy ra ùn tắc giao thông, nhà quản lý cần lắng nghe, có sự điều chỉnh thích hợp.

Trong khi các phương án vĩ mô: xây dựng đường trên cao, thành lập hệ thống metro, tuyên truyền giáo dục ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều bàn cãi và nghiên cứu thì giải quyết tận gốc các vấn đề vi mô như kể trên lại là việc trong tầm tay. Chỉ cần các nhà quản lý nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng phối hợp với nhau, làm kiên quyết và thường xuyên, xử lý mọi vi phạm bằng những biện pháp chế tài cứng rắn, không chập chờn, chắc chắn tình trạng giao thông của thành phố sẽ sáng sủa hơn rất nhiều.

Đặng Chí Lợi


Phải dẹp chợ tự phát

Tình trạng chợ tự phát ở khắp các quận, huyện trong thành phố là nỗi bức xúc từ người dân cho đến chính quyền địa phương, là một trong những nguyên nhân gây nạn kẹt xe và tai nạn giao thông. Chính quyền địa phương có ra tay dọn dẹp nhưng thiếu kiên quyết nên rồi đâu vẫn vào đấy, những kẻ lấn chiếm lòng, lề đường đâm ra xem thường luật pháp và dửng dưng trước nhân viên công lực.

Việc chiếm dụng lòng, lề đường, các lề cầu để mua bán gia cầm và các xe trái cây... đậu hàng dài gây khó khăn cho các phương tiện giao thông, nhất là khi có người dừng xe để mua hàng. Có nơi như trên chợ Cầu, các nhân viên trật tự ngồi cách những người bán hàng trên cầu chỉ có... 2m, họ cười nói vô tư như không thấy những người buôn bán trên cầu vậy. Diệt nạn chợ tự phát và nhất là việc chiếm lòng, lề đường, lề cầu để buôn bán là việc cần giải quyết triệt để.

Bên hông trụ sở Ban điều hành khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức là một chợ tự phát. Ảnh: Thu Hường

Bên hông trụ sở Ban điều hành khu phố 7, phường Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức là một chợ tự phát. Ảnh: Thu Hường

Huyền Đam - Thu Hường


Người dân đóng phí nuôi xe buýt?

Đọc xong bài viết “Thu phí môi trường xe cá nhân” của ông Lê Trung Tính (Sở Giao thông Vận tải TPHCM), đăng trên Diễn đàn: Giải pháp chống kẹt xe, Báo SGGP ngày 27-10-2011, tôi thấy không ổn bởi số xe mang biển số của các địa phương khác lưu thông trên địa bàn thành phố hiện khá nhiều, làm sao thu phí? Đề xuất thu phí xe cá nhân “để trợ giá cho hệ thống xe buýt (không phải chi từ ngân sách hiện nay); đồng thời có thêm nguồn kinh phí nhằm đầu tư hiện đại hóa hệ thống xe buýt thành phố nhằm nâng cao chất lượng và thu hút hành khách đi lại…” của ông Tính có phù hợp hay không bởi vận tải hành khách công cộng cũng là một ngành nghề kinh doanh như bao ngành nghề khác, lẽ nào lại buộc người dân phải đóng phí để nuôi xe buýt?

Nên chăng có loại vé xe buýt được sử dụng trong ngày và đi trên các tuyến xe buýt để khuyến khích người đi xe buýt? Tôi nghĩ chỉ khi nào các phương tiện vận tải công cộng nói chung và xe buýt nói riêng thật sự tiện lợi cho người tiêu dùng, khi đó người dân sẽ tự giác từ bỏ xe máy.

B.H.

Tin cùng chuyên mục