Các chuyên gia phân tích thị trường và giới chủ kinh doanh nông sản ở Mỹ cảnh báo nguy cơ lạm phát giá lương thực có nhiều khả năng kéo dài sang năm 2012, một phần do sản lượng bắp của Mỹ năm 2011 dự kiến sẽ sụt giảm mạnh.
Đua nhau tăng giá
Tổ chức Pro Farmer của Mỹ cho biết, thị trường ngũ cốc thế giới hiện đã giảm nhiệt đôi chút sau khi Nga và Ukraine bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu ban bố năm 2010 sau vụ hạn hán. Năm nay, khối lượng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine dự kiến vượt Brazil, trở thành nước lớn thứ ba xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, diện tích gieo trồng và sản lượng thu hoạch bắp ở Mỹ năm 2011 giảm sẽ có tác động mạnh tới thị trường thế giới, làm tăng nguy cơ lạm phát giá lương thực toàn cầu. Mỹ là nước chiếm tới 40% sản lượng bắp hàng năm và chiếm tới già nửa khối lượng xuất khẩu mặt hàng nông sản này của thế giới. Bắp là một mặt hàng lương thực thiết yếu cả cho người và chăn nuôi. Giá bắp tăng sẽ kéo theo một loạt mặt hàng khác cũng sẽ tăng giá như thịt bò, thịt cừu, thịt heo và gia cầm. Giá bắp trên thị trường thế giới trong tháng 6-2011 đã ở mức cao kỷ lục gần 8 USD/giạ (1 giạ vào khoảng 27 kg) và giá bắp thuộc các hợp đồng giao tháng 12 đã tăng 5,8%, lên 7,67 USD/giạ.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố bảng theo dõi giá lương thực tháng 8-2011, cho thấy giá các mặt hàng lương thực chính trong tháng 7 vừa qua đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, bắp tăng 84%, đường-62%, lúa mì-55% và gạo-11% trong quý 2 sẽ gây ảnh hưởng lớn đến giá lương thực trong những tháng sắp tới. Trong khi đó, dự trữ gạo và lúa mì lại rất thấp so với cuối những năm 1990 đến đầu năm 2000. Lượng dự trữ thấp sẽ khiến thị trường lương thực càng trở nên nhạy cảm bởi một sự giảm nhẹ trong sản lượng lương thực cũng có thể đẩy giá lương thực lên cao.
44 triệu người đói nghèo
Cũng theo WB, việc giá lương thực đạt ngưỡng không an toàn đã đẩy 44 triệu người, đa phần ở các nước nghèo, lâm vào cảnh đói nghèo (tính từ tháng 6-2010 đến nay). Một báo cáo của Oxfam vừa qua cho biết, giá lương thực tại Pakistan trong tháng 7 tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Oxfarm, trái ngược với các quốc gia khác, Pakistan có đủ nguồn lương thực dự trữ nhưng do nền kinh tế không ổn định, lạm phát cao đã khiến người dân phải chịu cảnh lương thực đắt đỏ. Lạm phát giá lương thực tại Bangladesh đã đạt mức 13,4%, khiến hàng triệu người dân nước này không có đủ thực phẩm. Điểm nóng nhất về thiếu hụt lương thực hiện nay là vùng Sừng châu Phi, nơi đang hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua, khiến 12 triệu người thiếu giá lương thực. Tuy nhiên, không chỉ có các nước nghèo, kém phát triển mới phải chứng kiến cảnh giá lương thực tăng chóng mặt. Anh - một quốc gia giàu có tại châu Âu - cũng đang phải đương đầu với tình trạng lạm phát giá lương thực. Tạp chí Which? của Anh cho biết giá lương thực tăng khiến giá thành các bữa ăn của học sinh, sinh viên tại trường tăng trung bình 17% so với năm 2010.
Người đứng đầu WB, ông Robert Zoellick, cảnh báo nếu không có bất cứ động thái nào giúp thúc đẩy nguồn cung lương thực, nếu để giá lương thực tăng thêm 10% nữa, trong vài tháng tới sẽ có thêm 10 triệu người rơi vào cảnh sống dưới ngưỡng đói nghèo (dưới 1,25 USD/ngày). WB cho biết thời tiết khắc nghiệt tại các quốc gia xuất khẩu lúa mì; việc hạn chế xuất khẩu lương thực ở một số nước; gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học là những nguyên nhân chính dẫn đến giá lương thực tăng mạnh như hiện nay. Tuy nhiên, WB cảnh báo giá dầu tăng do xung đột tại Trung Đông và Bắc Phi cũng đang tác động không nhỏ đến giá lương thực.
Đỗ Văn (Tổng hợp)