Làm rõ tình trạng có chất kích nạc trong thịt heo

Làm rõ tình trạng có chất kích nạc trong thịt heo

Ông Nguyễn Thanh Sơn

Ông Nguyễn Thanh Sơn

Trả lời câu hỏi của báo giới chiều 13-3 ngay sau cuộc họp về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi đề nghị, người tiêu dùng không nên quá hoang mang về việc phát hiện có chất cấm để kích nạc trong thịt heo bán trên thị trường hiện nay. Cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như sức khỏe của người tiêu dùng. Ông Sơn nói:

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chuyên môn đã phát hiện một số đại lý bán thuốc thú y và một số cơ sở chăn nuôi heo đã sử dụng một số loại chất cấm để nhằm mục đích kích thích tỷ lệ nạc trong thịt heo. Việc sử dụng hóa chất cấm để chăn nuôi đã gây ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng. Đồng thời, vì tình trạng đó còn gây ra hậu quả là thịt heo hiện nay bắt đầu giảm giá tới 10% - 15% so với hồi trước tết và sau tết, do người dân lo ngại về chất lượng của thịt heo.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra và công bố vừa rồi của các cơ quan chuyên môn chỉ là dừng lại ở một số ít mẫu thịt được thu thập để kiểm tra, nên chưa thể kết luận là có tới 30% - 40% thịt heo bị nhiễm các chất tăng trọng, tăng nạc được. Song trước tình hình như vậy, để làm rõ hơn nhằm bảo đảm quyền lợi và sức khỏe cho người dân, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi tiếp tục đi kiểm tra, điều tra lấy các mẫu thịt để đánh giá một cách chính xác hơn, nhằm giúp cho người tiêu dùng biết tỷ lệ nhiễm chất cấm và tổ chức xử lý các điểm vi phạm.

- Khi nào sẽ có kết quả cuối cùng về tỷ lệ thịt heo bị nhiễm chất cấm thưa ông?

Hiện nay các cơ quan chuyên môn của Cục Chăn nuôi, Cục Thú y vẫn đang khẩn trương tổ chức lấy mẫu. Chúng tôi hy vọng khoảng cuối tháng này sẽ có kết quả công bố chính xác tỷ lệ chất cấm được sử dụng trên đàn heo hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyến cáo với người tiêu dùng rằng không phải tất cả thịt heo, kể cả thịt nạc tiêu thụ trên thị trường hiện nay đều có chất cấm. Và chúng tôi cũng sẽ kiên quyết xử lý các cơ sở chăn nuôi, buôn bán các chất cấm này.

- Tại sao các cơ quan chức năng lại không phát hiện được việc người chăn nuôi sử dụng các chất cấm này?

Năm 2010, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết về kiểm tra các chất tồn dư trong các sản phẩm chăn nuôi, trong đó có 3 chất đặc biệt cấm là Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Đây là những chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Mặc dù một số nước như Mỹ vẫn cho sử dụng, nhưng hiện tại chúng ta cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt có nhiễm các chất kích nạc.

Thực ra, hàng năm Bộ NN-PTNT vẫn tổ chức kiểm tra đánh giá. Năm ngoái chúng tôi cũng đã kiểm tra và không hề có chất cấm trong chăn nuôi heo. Chỉ có thời gian gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện được, song ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở phía Nam, còn phía Bắc thì chưa phát hiện. Có thể khẳng định, tỷ lệ nhiễm chủ yếu ở một số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ mà họ sử dụng trực tiếp chất cấm, còn các cơ sở chăn nuôi lớn thì qua kiểm tra, không hề có chất cấm như Ractopamine, Clenbuterol và Salbutamol. Ngay cả các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi chúng tôi kiểm tra cũng không hề có chất cấm kể trên. Cũng có thông tin cho rằng, sở dĩ có các chất cấm trong heo là do các thương lái đã yêu cầu người nuôi sử dụng để tăng lượng nạc.

Tới đây, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương sẽ kết hợp kiểm tra quyết liệt hơn, xử lý triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi heo.

- Cách nào để giúp người tiêu dùng phân biệt thịt heo có và không có chất kích nạc không?

Nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì sẽ rất khó phát hiện. Vì không phải cứ tất cả thịt heo mà có nạc nhiều là có các chất kích nạc kể trên, vì hiện nay chúng ta đã có những giống heo nuôi có năng suất cao, tỷ lệ nạc lên tới 64%. Nhưng theo kinh nghiệm thì những loại thịt có sử dụng chất cấm này sẽ có màu hơi khác thường, hơi đỏ.

* Trước quyết định tạm dừng nhập khẩu thịt động vật và sản phẩm động vật từ Việt Nam của Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát vừa chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản chủ trì phối hợp với Cục Thú y chủ động làm việc với cơ quan chức năng của phía Trung Quốc để làm rõ nguyên nhân dừng nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật từ Việt Nam, đồng thời đề xuất giải pháp làm việc với Trung Quốc để tăng cường quan hệ thương mại.

Văn Phúc


Tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi

Ngày 13-3, Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, để hạn chế việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, thời gian tới ngành thú y tỉnh sẽ tăng cường kết hợp giữa kiểm dịch trước khi xuất chuồng và lấy mẫu nước tiểu của đàn heo để kiểm tra nhanh xem có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hay không. Trong trường hợp xét nghiệm phát hiện heo có dùng chất cấm, cơ quan chức năng sẽ yêu cầu chính quyền địa phương giữ đàn heo lại để kiểm tra định lượng mức độ sử dụng chất cấm và xử lý theo quy định pháp luật. Ngoài ra, ngành thú y tỉnh cũng sẽ thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường để kiểm tra, truy nguồn gốc của chất cấm trong chăn nuôi được đưa vào địa bàn Đồng Nai để có biện pháp quản lý.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, tổng đàn heo của tỉnh gần 1,2 triệu con, trong đó khoảng 50% nuôi theo hình thức trang trại, 50% nuôi nhỏ lẻ. Thời gian qua, lực lượng thú y đã lấy mẫu nước tiểu của một số đàn heo trong tỉnh kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi có phát hiện dương tính. Chỉ trong thời gian ngắn, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 5 vụ buôn bán, vận chuyển chất cấm trong chăn nuôi heo với số lượng lớn. Các loại chất cấm trên đều là thuốc “siêu nạc siêu trọng”, khi trộn vào thức ăn sẽ kích thích cho heo ăn ngon miệng, tăng trọng nhanh, nở mông vai, giảm mỡ, tăng sự hấp thu dưỡng chất, kích thích thèm ăn ngủ nhiều, rút ngắn thời gian xuất chuồng... Tuy nhiên, khi ăn thịt heo có dùng các loại chất tăng trưởng trên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

L.Long

Tin cùng chuyên mục