Làm sáng những điểm tối

Trong những ngày TP tập trung việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng tôi đã tìm gặp tác giả của mô hình “Điểm sáng văn hóa”.
Làm sáng những điểm tối

Trong những ngày TP tập trung việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, chúng tôi đã tìm gặp tác giả của mô hình “Điểm sáng văn hóa”.

Thấm thoát 15 năm đã trôi qua, ít ai biết người khởi xướng và là tác giả của mô hình này là chị Lương Thị Cúc (ảnh). Chị Cúc nhớ lại: “Địa bàn quận 6 những năm 1998 - 2000 khá phức tạp. Vốn là khu đầm lầy, ao hồ trải dài từ đài rađa Phú Lâm đến công viên Phú Lâm nhưng buồn thay khu dân cư mới đã thành khu bia ôm, cà phê đèn mờ với những biến tướng tiêu cực. Thật đau lòng khi cùng đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, chứng kiến tận mắt cảnh các bé trai đang tuổi đến trường, các cụ ông lụm khụm cũng bị các nữ tiếp viên trẻ chèo kéo. Tôi suy nghĩ, phải làm gì để giảm bớt những cảnh đau lòng, gai mắt?”.

Điều trăn trở của chị Cúc ở cương vị Quận ủy viên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận 6 lúc bấy giờ đã được đưa ra trao đổi trong buổi giao ban đầu tuần, kết quả là tất cả đều đồng lòng tuyên chiến với tệ nạn xã hội, nạn “bảo kê”, xã hội đen... Vấn đề đặt ra là làm cách nào để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, những sân chơi trong sáng thay thế cho những khu cà phê đèn mờ tối tăm đầy rẫy những cạm bẫy, cám dỗ và tiêu cực? Người kinh doanh luôn nhắm tới lợi nhuận, vốn của họ, tài sản của họ; làm cách nào để họ hiểu và cùng đồng hành với mình vì mục đích tốt đẹp này? Sau thời gian thâm nhập thực tế, mọi người cùng nhất trí: chống điểm tối, xây điểm sáng; chống đi đôi với xây; xây là căn bản, chống để xây cho vững và cái tên “Điểm sáng văn hóa” ra đời.

Chị Lương Thị Cúc nhớ lại: “Muốn xây thì phải chọn điểm và chúng tôi nhắm đến các quán cà phê sân vườn trên các địa bàn có “điểm nóng”. Phải chọn quán chính chủ, tức là do chính người chủ hộ đứng ra kinh doanh; người đó phải có tâm hồn nghệ sĩ, hiểu và cảm được cái đẹp, hiểu được tiêu chí của điểm sáng và quyết đồng hành cùng với mình trong việc tạo sân chơi lành mạnh. Có hai quán lọt vào tầm ngắm, đó là quán Xuân Hoàng trên đường Tân Hòa Đông thuộc KP3 phường 14; quán Tùng trên đường Phạm Văn Luông thuộc KP3 phường 12. Sau khi được bàn bạc, trao đổi mục đích, tiêu chí, nội quy của quán đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa”, chủ hai quán này đã đồng ý và cùng chúng tôi bắt tay vào làm”.

Tiêu chí đầu tiên hướng đến là kinh doanh đúng pháp luật: tiếp viên phải được đăng ký hợp đồng lao động, khám sức khỏe; âm thanh, nhạc, ánh sáng chuẩn; không có người sử dụng ma túy, không mại dâm trá hình… Các nội dung “xây” khác cũng phù hợp với đặc điểm của quán như đa dạng hóa các loại hình âm nhạc bằng các chương trình theo từng chủ đề cho các ngày trong tuần (như nhạc trẻ, nhạc tiền chiến, nhạc Trịnh…); bổ sung các loại hình văn hóa để người dân và giới trẻ đến quán được “hưởng lợi” từ một môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích như được đọc các loại báo, tạp chí. Quán còn là nơi có thể đọc sách, chơi cờ tướng, là nơi họp mặt của các cụ già, của Hội Phụ nữ, nơi tập luyện để các đội văn nghệ thi thố tài năng. Đặc biệt còn là nơi mọi người đến để hát karaoke (Phòng Văn hóa - Thông tin quận xin cấp giấy phép cho hai quán cà phê kinh doanh loại hình này), tuy lúc đó còn rất mới và chưa có cơ chế quản lý.

Chị Cúc quan niệm: “Để đẩy lùi bóng tối, một điểm sáng chưa đủ, mà cần nhiều điểm sáng, cần một không gian văn hóa lành mạnh từ sự cộng hưởng của xã hội, cùng với việc nâng cao mức sống, nâng dần thị hiếu thẩm mỹ của người dân; còn kiểm tra xử phạt là biện pháp cụ thể với từng điểm”.

Được sự ủng hộ tạo điều kiện của cấp ủy địa phương và quan tâm của người đứng đầu ngành văn hóa thông tin quận 6, cuối năm 1998 đầu năm 1999, từ thành công xây dựng “Điểm sáng văn hóa” của hai quán Xuân Hoàng và Tùng, quận 6 đã nhân rộng ra một số quán trên địa bàn quận, được TP khen ngợi. Một số quận, huyện đã cử đoàn đến tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm. Tính đến tháng 10-2004, toàn thành phố đã xây dựng được 47 điểm sáng văn hóa, tiêu biểu như nhà hàng sân vườn karaoke Star, cà phê Đăng Khoa, quán ăn An (quận Bình Thạnh); cà phê sách của Công ty Fahasa (quận 1)… Các “Điểm sáng văn hóa” này là một thực tế sinh động cho chủ trương xã hội hóa hoạt động văn hóa ở cơ sở. Sau đó tiêu chí về “Điểm sáng văn hóa” đã được bộ công nhận, triển khai trên toàn quốc và duy trì đến nay.

KHÁNH HỘI

Tin cùng chuyên mục