(SGGPO).- Theo công bố của Vụ Thư viện thì số đầu sách người Việt đọc trong năm là rất thấp, chỉ bằng 1/5 so với các nước phát triển. Từ thực tế này, một số câu lạc bộ, tủ sách hay, chương trình Sách hóa được ra đời với mong muốn đưa sách đến với cộng đồng.
SGGP xin giới thiệu những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học đã phân tích lý do tại sao nhiều sách hay vẫn chưa đến với bạn đọc.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, nhà khoa học Vật lý Thiên văn ký tặng sách cho bạn đọc tại Sân khấu kịch Idecaf, nhân dịp giáo sư về Việt Nam. Ảnh: QUANG KHOA
Tỷ lệ đọc thấp là hiển nhiên
Theo Vụ Thư viện, tỷ lệ người Việt hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm 44%, người đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8% - 10 % dân số.
Còn theo anh Nguyễn Quang Thạch, người đã có gần 20 năm nghiên cứu và thực hiện chương trình Sách hóa nông thôn thì tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách có thể nhiều hơn con số 26%. Trong đó nguyên nhân chính là do thói quen không đọc sách thường xuyên và không có sách để đọc.
Trong quá trình đi bộ xuyên Việt để vận động chương trình Sách hóa nông thôn anh đã hỏi trên 3.000 người, và nhận được kết quả có hơn 90% người dân không biết nhà trường có thư viện và được mượn sách từ thư viện về nhà.
Qua ghi nhận tại một số nhà sách trên địa bàn TPHCM, phần lớn các bạn trẻ đến nhà sách chủ yếu là để đọc truyện tranh. Những sách hỗ trợ kỹ năng cần thiết để ứng dụng vào thực tế ít được các bạn tìm đọc. Bạn Nguyễn Thị Kim Thanh đang là sinh viên năm 3 một trường tại TPHCM chia sẻ: “Những lúc rảnh rỗi em cũng hay đến nhà sách để tìm những sách phù hợp với lứa tuổi của mình để mua về đọc, nhưng rất khó tìm. Trong nhà sách cũng không thấy các anh, chị nhân viên tư vấn gợi mở những đầu sách hay khuyến đọc”.
Các bạn trẻ đọc sách tại Nhà sách Kim Đồng. Ảnh: QUANG KHOA
Khi được hỏi về việc đọc sách, anh Nguyễn Hưng Thanh là cựu sinh viên chuyên ngành báo chí chia sẻ, khi còn là sinh viên, mỗi khi bắt đầu một môn học mới, cả lớp được giáo viên bộ môn giới thiệu một số đầu sách cần đọc để hỗ trợ cho môn học được tốt hơn. Tuy nhiên, đến kết thúc môn học chúng tôi vẫn không đọc những đầu sách được các giảng viên giới thiệu nhưng điểm kết thúc môn vẫn rất cao.
“Tôi nghĩ, lúc bắt đầu môn học mới, giảng viên khi giới thiệu những đầu sách cần đọc thì phải giới thiệu thật hấp dẫn để sinh viên hứng thú với quyển sách đó. Đồng thời khi ra đề thi hoặc kiểm tra phải cho đề trong những quyển sách được giới thiệu để tính điểm bắt buộc cho việc đọc sách. Lúc đầu sinh viên sẽ đọc sách vì điểm số, nhưng về lâu dài sinh viên sẽ thấy được những giá trị trong sách nên sẽ tự động hình thành nên thói quen đọc sách”- anh Thanh Hưng đúc kết.
Những nỗ lực từ cộng đồng
Trong tháng 9-2016, anh Nguyễn Quang Thạch (năm nay 41 tuổi) với chương trình “Sách hóa nông thôn” đã trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải Vua Sejong về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016. Đây là giải thưởng tôn vinh những người khai trí.
Để thực hiện chương trình này anh Nguyễn Quang Thạch đã dành ra gần 20 năm, trong đó 10 năm anh dành để nghiên cứu lý thuyết, lập đề án mô hình Sách hóa nông thôn, 9 năm bắt tay vào thực hiện. Anh dự kiến năm 2017 sẽ xây hơn 300.000 tủ sách, giúp hơn 10 triệu trẻ em nghèo nông thôn có sách đọc bằng với trẻ ở các đô thị lớn.
Trong năm 2015 anh tạo ra hiệu ứng truyền thông đặc biệt khi đi bộ xuyên Việt dọc theo Quốc lộ 1 với hành trình 1.750 km từ Hà Nội đến TPHCM với thông điệp đánh thức cộng đồng trong chương trình “Sách hóa nông thôn” nhằm chuyển tải thông điệp về nhu cầu cấp thiết phải sách hóa cho trẻ em nông thôn. Anh Thạch quan niệm, giờ đây nên xem việc xóa mù chữ là giúp mọi người lĩnh hội tri thức để bắt kịp sự phát triển, chứ không phải xóa mù chữ là giúp mọi người biết đọc.
Một chương trình khác cũng mang thông điệp giúp cộng đồng hình thành thói quen đọc là dự án Let’s Read (Cùng đọc sách) và Read Station (Trạm đọc) được ra mắt mới đây.
Let’s Read là dự án khuyến đọc gồm các hoạt động chính: Xuất bản sách khuyến đọc (truyền cảm hứng đọc sách từ các nhân vật uy tín như Ngô Bảo Châu, Bill Gates, Jack Ma...); Tổ chức tọa đàm thảo luận về sách và văn hóa; Tổ chức cuộc thi Đại sứ đọc để thành lập các câu lạc bộ Đại sứ đọc...
Còn Read Station là dự án đi vào chiều sâu của việc đọc, nhằm xây dựng chuyên trang đánh giá sách uy tín nhất Việt Nam. Hoạt động chính là kết nối nhà xuất bản, công ty sách với độc giả, phát triển cộng đồng đọc Việt Nam, định hướng nội dung web và các sự kiện đọc, giúp thăm dò thị trường, quảng bá sách hay.
Để góp phần hình thành thói quen đọc sách, dịch giả Phạm Văn Thiều góp ý: Ở Việt Nam tôi nghĩ niềm đam mê đọc sách phải được nuôi dưỡng từ thuở bé. Thời tôi đi học các thầy cô giáo dạy văn đọc nhiều và giới thiệu nhiều sách cho học sinh, nhưng hiện nay giáo viên khoa học xã hội chỉ tập trung vào thi cử, bên cạnh đó còn có nhiều yếu tố khác tác động như game, facebook… làm cho các em xa rời việc đọc sách.
Nói về việc đọc sách, nhà báo – nhà Vật lý Y học Vũ Công Lập nêu quan điểm: Tôi thấy nói người Việt đọc ít là cũng chưa đúng, tôi đi cà phê, vào khách sạn hay về nhà gặp con cái, tôi cũng đều thấy đọc, nhưng đọc trên điện thoại chứ không phải là đọc sách. Do vậy vấn đề ở đây là đọc cái gì và đọc như thế nào? Chúng ta nói đọc ít là ít đọc được những quyển sách hay đem lại nhiều giá trị. Như trong tủ sách Khoa học và khám phá có nhiều quyển sách hay nhưng khi hỏi đồng nghiệp thì họ cũng vẫn chưa biết được những quyển sách ấy.
Một vấn đề nữa là việc giới thiệu sách trên truyền thông vẫn chưa đem đến cho bạn đọc những giá trị cốt lõi từ việc đọc được quyển sách đó nên chưa thu hút được bạn đọc. “Tôi thấy việc hình thành đường sách Nguyễn Văn Bình là điều rất đáng mừng. Tôi đi qua đây rất nhiều lần và tôi thấy nhiều tác giả ký tặng sách. Bây giờ bản thân tôi đã hình thành một thói quen là không tuần nào tôi không đến với đường sách Nguyễn Văn Bình” - nhà báo – nhà Vật lý Y học Vũ Công Lập chia sẻ.
QUANG KHOA