Đó là suy nghĩ và đề xuất của đa số trong tổng số 600 đại biểu tham dự Đại hội thi đua ngành TDTT lần 2 (2001-2005) sáng 20-8 tại Hà Nội. Theo nhiều người, con số 88 cá nhân và 35 đơn vị được xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua và Tập thể đạt thành tích xuất sắc ngành TDTT đều xứng đáng, nhưng liệu họ đã đại diện cho tất cả những gì đạt được của cả ngành TDTT trong 5 năm qua hay chưa? Rồi việc UBTDTT sẽ có những hành động cụ thể nào trong việc đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tổ chức phong trào... Tất cả những thắc mắc đó đã nhanh chóng bị dập tắt khi chương trình đại hội được gói gọn trong 3 giờ đồng hồ với hàng loạt các bài phát biểu dài lê thê.
Các phong trào thi đua chưa thật sự hiệu quả

Bộ trưởng UBTDTT Nguyễn Danh Thái phát biểu tại Đại hội
Có một số đại biểu xì xào về việc các phong trào thi đua chưa thật sự đảm bảo tính xuyên suốt và một số rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”. Nhất là các phong trào thể thao quần chúng như “Gia đình thể thao”, “CLB sức khoẻ”, “CLB thể dục thể thao”… với kết quả mang lại chủ yếu xuất phát từ việc chủ động của người dân mà ít thấy sự hỗ trợ, định hướng từ ngành thể thao.
Ngay trong Đại hội, việc BTC thu gọn chương trình bằng duy nhất những lời phát biểu, báo cáo của các lãnh đạo ngành và 10 cá nhân, đơn vị điển hình mang nặng tính báo cáo thành tích. Lẽ ra cần phải có những ý kiến đóng góp của các đại biểu về những mặt hạn chế của phong trào thi đua, thực tiễn hoạt động TDTT của đơn vị, cá nhân mình.
VĐV hay cán bộ là “trọng tâm” của TDTT ?
Trong danh sách được trao thưởng, rất nhiều ý kiến xì xào về việc trao thưởng chỉ tập trung vào các cán bộ lãnh đạo còn VĐV thì rất ít, trong khi đây mới là lực lượng đông đảo và chính yếu của phong trào TDTT. Trong tổng số 88 cá nhân được UBTDTT trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành TDTT 2001-2005 chỉ có 8 VĐV, chiếm chưa đến 10%. Chưa kể VĐV được trao thưởng cũng có vấn đề, như trường hợp kỳ thủ cờ Vua Phạm Lê Thảo Nguyên của Cần Thơ. Liệu VĐV này đã xứng đáng đại diện cho tất cả các VĐV cờ Vua Việt Nam trong 5 năm qua khi những Đào Thiên Hải, Hoàng Thanh Trang, Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn... được đánh giá nổi trội hơn hẳn?
Những nhân tố điển hình cho hoạt động xã hội hoá TDTT cũng chưa được coi trọng đúng mức, dù đây là một trong những định hướng phát triển của ngành. Việc Hội đồng thi đua khen thưởng chỉ trao Cờ thi đua xuất sắc của UBTDTT cho ngành TDTT tỉnh, thành mà không phải là tặng đích danh cho những đơn vị có nhiều đóng góp xuất sắc như: Công ty dụng cụ TDTT Động Lực, Trung tâm TDTT Thành Long, Doanh nghiệp sản xuất cầu lông Hải Yến, Trung tâm TDTT Bảo Long... đã khiến nhiều người bất mãn và không đồng tình.
TPHCM không được công nhận là đơn vị thi đua xuất sắc!
Xung quanh quyết định này có khá nhiều tranh cãi. Có người cho rằng không thể vì một vài scandal như vụ các VĐV xe đạp ẩu đả nhau tại Thái Lan, hay vụ gian lận tuổi của 2 VĐV điền kinh mà lại tước đi danh hiệu đơn vị xuất sắc của đơn vị này khi mà TPHCM hiện vẫn chỉ đứng sau Hà Nội trong việc đóng góp vào thể thao thành tích cao Việt Nam những VĐV xuất sắc. Phong trào xã hội hóa TDTT cũng đi đầu cả nước với nhiều trung tâm tư nhân được xây dựng góp phần phát triển thể thao nước nhà bên cạnh mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận.
Dù gì đi chăng nữa những lãnh đạo ngành TDTT của thành phố mang tên Bác cũng phải nhìn nhận lại mình một cách nghiêm túc khi mà chẳng phải vô nguyên vô cớ lại không được UBTDTT nhìn nhận những đóng góp to lớn của mình, bởi ngay chính công tác thi đua – khen thưởng – kỷ luật của TPHCM cũng tồn tại nhiều bất cập.
AN HƯNG