Chạy ăn từng bữa
Chúng tôi đến thị xã Thuận An, nơi có hoạt động kinh tế sôi động với hàng ngàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp (KCN), số thu ngân sách hàng năm đạt hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, đây cũng là địa phương còn khá nhiều hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Gia đình ông Chung Văn Long, 60 tuổi (15/4A khu phố Hòa Long, phường Lái Thiêu) thuộc diện “nghèo bền vững”. Ông Long bị tai biến, đi lại khó khăn nhưng phải nuôi 1 cháu nhỏ chưa đầy 7 tuổi. Tổ trưởng dân phố 12, khu phố Hòa Long, bà Võ Thị Út, cho biết: Đây là hộ nghèo nhất phường, nhiều năm qua chỉ sống bằng trợ cấp của địa phương và của nhà hảo tâm, chứ gia đình không có hoạt động kinh tế nào để kiếm sống. Năm 2016, gia đình ông Long được hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết làm nơi trú ngụ thay cho căn nhà dột nát. Cách đó vài căn, nhà bà Lê Thị Hồng Vỡ, 61 tuổi, với 3 nhân khẩu nhưng chỉ mình bà Vỡ là lao động chính. Bà Vỡ buôn bán bình bông dọc các ngã ba, ngã tư, sống lây lất qua ngày. Ngày nào bán được thì lời khoảng 20.000 - 30.000 đồng để mua gạo nấu cơm, trời mưa sẽ không có tiền mua đồ ăn, vậy nên bà rất sợ những ngày mưa kéo dài. Khi đó, cả nhà phải nhịn đói. Gia đình bà sống trong căn nhà đại đoàn kết rộng khoảng 15m2 do phường hỗ trợ xây.
Trưởng ban điều hành khu phố Hòa Long, ông Tăng Văn Sơn, cho biết, cả khu phố có tới 52 hộ mới thoát nghèo, nhưng đời sống vật chất vẫn không khác trước đây. Ông là người gần gũi nhất với các hộ nghèo trên địa bàn, hiểu rõ từng hoàn cảnh thiếu thốn, nên ông rất băn khoăn khi phường đưa những gia đình này ra khỏi danh sách các hộ nghèo. Theo ông, về bản chất, phần lớn các hộ dân mới thoát nghèo nhưng họ không có cách nào tạo thu nhập, mỗi nhà một hoàn cảnh khó khăn. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho các hộ nghèo trong thời gian 3 năm, sau đó mỗi hộ phải tìm cách thoát nghèo, hoặc chuẩn nghèo được nâng cao hơn nên họ lại tiếp tục rơi vào cảnh thiếu thốn vốn có. Các khu vực khác như Bình Hòa, Long Thới, Bình Đức 2, Nguyễn Trãi… cũng tương tự.
Bà Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu, thừa nhận, theo tiêu chuẩn hộ nghèo của Trung ương thì phường đã hết hộ nghèo, nhưng theo phương pháp tiếp cận đa chiều, hiện phường vẫn còn 201 hộ nghèo và 34 hộ cận nghèo. Trong đó, hơn 50% số hộ mất sức lao động, không có việc làm ổn định dù phường thường xuyên có sự hỗ trợ vào các dịp lễ tết, cho vay vốn ưu đãi làm ăn, nhưng cũng chỉ chia sẻ được những thiếu thốn hiện tại.
Cần chính sách dài hơi
Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương, cho biết: Chuẩn nghèo mà Chính phủ ban hành giai đoạn 2016 - 2020 quy định mức thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở thành thị. Trong khi đó, từ tháng 12-2015, UBND tỉnh Bình Dương ban hành chuẩn nghèo của tỉnh với mức thu nhập 1,2 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và 1,4 triệu đồng/người/tháng; qua điều tra rà soát ban đầu, toàn tỉnh hiện còn 3.889 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,32% và 2.870 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,97%. Tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với kinh phí được phê duyệt hơn 500 tỷ đồng giúp người dân thoát nghèo. Nhưng thực tế, tổng nguồn lực đầu tư chương trình giảm nghèo trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của toàn tỉnh là gần 574 tỷ đồng, cao hơn so với kinh phí được phê duyệt. Ông Trung cho rằng, nguồn tín dụng (từ ngân sách tỉnh được ủy thác qua ngân hàng chính sách) là chi thực tế theo nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, đồng thời địa phương vẫn bảo lưu các chính sách dành cho hộ nghèo tới 2 năm sau để người dân vững vàng vươn lên.
Để giảm nghèo có hiệu quả, tỉnh cần tiếp tục giúp các hộ nghèo thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản; cân đối nguồn ngân sách để bố trí vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và mới thoát nghèo; thúc đẩy phát triển sinh kế và nâng cao thu nhập; xây dựng kế hoạch thoát nghèo hiệu quả phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh, điều kiện sống của từng nhóm hộ nghèo. Đây cũng chính là yếu tố quyết định đối với việc giảm nghèo hiệu quả, đảm bảo tính bền vững của việc giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.