Mới đây thêm nhiều lao động quê ở các tỉnh phía Bắc như Nghệ An, Hải Dương... vì muốn đi Đài Loan làm việc với thu nhập cao đã bị cò xuất khẩu lao động (XKLĐ) lừa mất hàng chục ngàn USD (đăng trên Báo SGGP số ra ngày 18-2).
Cũng do tin những lời đường mật của cò môi giới XKLĐ tên Lê Thị Tuyết Nương – người tự xưng là nhân viên tuyển dụng của Trung tâm Đào tạo và xuất khẩu lao động (XKLĐ) thuộc Công ty Thiết bị vật tư du lịch 2 (Tomateco) nên nhiều lao động nông thôn đã đóng số tiền từ 3.000 đến 7.000 USD cho bà ta.
Điều đáng nói là tuy đóng số tiền lớn như vậy nhưng họ chỉ nhận lại tấm hóa đơn không có con dấu và chữ ký của đơn vị có tư cách pháp nhân về XKLĐ. Chính vì thế, khi xảy ra cảnh “tiền mất tật mang” họ mới vỡ lẽ ra sự thật rằng bà Nương chỉ là người môi giới lao động xuất khẩu cho Trung tâm XKLĐ Tomateco.
Trước đó, cũng có nhiều lao động ở các tỉnh phía Bắc được những tên cò XKLĐ dẫn vào TPHCM thuê nhà cho ở, dẫn đi học ngoại ngữ để đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Úc... làm việc. Họ cũng phải đóng số tiền từ vài ngàn đến gần 10 ngàn USD cho cò để được xuất cảnh nhanh. Thế nhưng chờ mãi chỉ thấy ăn “bánh vẽ”, người lao động mới tìm đến các cơ quan báo chí tố cáo sự việc.
Khi mọi chuyện đã rồi, hỏi chuyện mới hay người lao động không biết rõ địa chỉ của những nhân vật “cò, trung gian” ấy ở đâu, làm cho công ty nào? Còn liên hệ qua số điện thoại của những tay cò này thì chỉ nhận được tín hiệu… ngoài vòng phủ sóng.
Thậm chí, nhiều người trong số nạn nhân bị lừa không hề biết mình sẽ được giới thiệu đi theo công ty XKLĐ nào vì chỉ nhớ mang máng là công ty đó có cái đuôi vần ex hay mex gì đó. Đặc biệt hơn cả là trường hợp bị lừa đi Anh làm việc của 14 lao động quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh.
Chỉ qua lời rao tuyển ngọt ngào- “sang Anh làm việc với mức lương vài ngàn USD/tháng không cần tay nghề, không khám sức khỏe, chỉ cần đặt cọc 7.000 USD, sau 1,5 đến 2 tháng sẽ lên máy bay đi Anh làm việc”, nhiều lao động đã bị mắc lừa một cách dễ dàng. Thế nhưng thay vì đi Anh làm việc với mức lương vài ngàn USD/tháng như những tên cò rao tuyển, họ bị đưa đi đường vòng sang Nga và bị bắt tại Ukraina, sau đó bị trục xuất về nước.
Thực tế cho thấy rất nhiều lao động rơi vào những đường dây dụ dỗ và bị lừa đảo đi nước ngoài làm việc đều xuất phát từ việc thiếu thông tin, cả tin vào cò và những người làm trung gian cho hoạt động XKLĐ. Để lấy lòng tin của những lao động nghèo này, những nhân vật “cò XKLĐ” này thường liên kết với những công ty có chức năng XKLĐ và đưa họ đi khám sức khỏe, học giáo dục định hướng ngoại ngữ tại những cơ sở của công ty.
Mặc dù Nghị định 81/CP của Chính phủ đã quy định rõ việc tuyển dụng lao động đi nước ngoài làm việc phải trực tiếp nhưng do năng lực hoạt động yếu, không tuyển được nguồn, một số công ty XKLĐ thường liên kết, bắt tay với cò để tuyển lao động và ăn chặn nhiều khoản tiền ngoài quy định.
Làm gì để tránh bị lừa đảo trong XKLĐ? Hiện nay, các địa phương đều có Ban chỉ đạo XKLĐ, vì thế trước khi muốn đi nước ngoài làm việc, hãy liên hệ với chính quyền, ban chỉ đạo XKLĐ tại địa phương để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể.
Ngoài ra, để tìm hiểu rõ tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, công ty tuyển lao động có chức năng hoạt động XKLĐ hay không và hợp đồng đưa đi nước ngoài làm việc đã được Bộ LĐ-TB-XH, Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định hay chưa, hãy liên hệ với Trung tâm Thông tin XKLĐ của Cục Quản lý lao động để được tư vấn (ĐT: 04.9340925).
HOÀNG ANH